"Báo cáo số 150 về các ranh giới biển được chúng tôi công bố hôm 12/1 là kết quả của hai năm nghiên cứu cẩn thận và chính xác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và nhận thấy chúng không có cơ sở pháp lý", quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề đại dương, ngư nghiệp và địa cực Constance Arvis nói trong cuộc họp báo ngày 24/1.
Theo Arvis, tài liệu 47 trang được Mỹ công bố ngày 12/1 "có thể cung cấp thông tin cho các đồng minh và đối tác sử dụng để chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc", cũng như thể hiện rằng các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ không chấp nhận hành động cưỡng ép hay quân sự hóa đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
"Với danh nghĩa thực thi các yêu sách hàng hải rộng lớn và bất hợp pháp của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đang can thiệp vào các quyền và tự do, bao gồm quyền và tự do hàng hải mà tất cả quốc gia đều có", Arvis nói.
Bà giải thích thêm rằng dù Mỹ không phải là bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Washington vẫn tuân thủ các điều khoản của công ước.
"Mỹ dứt khoát bác bỏ những tuyên bố bất hợp pháp này và bất cứ sự can thiệp nào liên quan, nhắc lại rằng Trung Quốc không đưa ra được cơ sở pháp lý chặt chẽ nào cho yêu sách hàng hải rộng lớn của mình", Arvis nói, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông "không có cơ sở trong luật pháp quốc tế". Bà cho biết Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động cưỡng chế tại khu vực.
Jung Pak, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kiêm lãnh đạo Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển "quấy rối, đe dọa" tàu thuyền các quốc gia khác đi qua hoặc hoạt động trên Biển Đông, "gây tổn hại nghiêm trọng đến thượng tôn pháp luật".
Quan chức này khẳng định Mỹ cam kết với khu vực và sẽ duy trì các quyền của đồng minh lẫn đối tác. "Mỹ và Nhật Bản đưa ra cam kết rất vững chắc về tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác", Jung Pak cho biết.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra cái gọi là "đường 9 đoạn" nhằm nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp và quân sự hóa trái phép nhiều đảo nhân tạo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông. Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln đang diễn tập trên Biển Đông nhằm tăng cường năng lực hiệp đồng trên biển và sẵn sàng chiến dấu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 14/1 cho biết Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng rằng "luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Nguyễn Tiến (Theo USNI)