"Điểm mấu chốt là về cơ bản chúng tôi đưa binh sĩ tới xa hơn về phía đông và gần biên giới với Nga hơn để răn đe họ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trên kênh Fox News ngày 9/8. "Hầu hết các đồng minh tôi đã nói chuyện hoặc trao đổi với nhân viên của tôi đều coi đây là động thái tốt".
Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo sẽ rút khoảng 12.000 trong số 34.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức, trong đó khoảng 6.000 người sẽ về nước và 5.600 người sẽ tới các quốc gia thành viên NATO khác như Ba Lan và các nước vùng Baltic. Mục tiêu chính của đợt chuyển quân này là nhằm củng cố sườn đông nam của NATO gần khu vực Biển Đen.
"Thẳng thắn mà nói, chúng ta vẫn còn khoảng 24.000 quân ở Đức, do đó đây vẫn là quốc gia tiếp nhận nhiều binh sĩ Mỹ nhất. Điểm mấu chốt là biên giới đã thay đổi khi liên minh phát triển", Esper nói.
Bộ trưởng Esper nhắc lại việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Đức "chi trả một cách công bằng" chi phí quốc phòng, đồng thời nói Berlin nên chi cho NATO nhiều hơn mức 2% để giúp liên minh quân sự "đứng vững trước người Nga".
Trump cho biết Mỹ rút quân khỏi Đức nhằm đáp trả việc Berlin "chểnh mảng trong khoản đóng góp 2% GDP cho NATO". Trump cũng chỉ trích Đức bỏ hàng tỷ USD mua khí đốt của Nga trong khi Mỹ phải triển khai quân để bảo vệ nước này khỏi Nga.
Động thái rút bớt quân khỏi Đức của Trump vấp phải chỉ trích từ quốc hội Mỹ. Nhiều nghị sĩ cho rằng Nhà Trắng đang "làm căng thẳng" mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh, thậm chí "phá hoại an ninh quốc gia".
Bộ Quốc phòng Ba Lan hồi tuần trước cho biết nước này đạt thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới 7 căn cứ. Tổng số quân Mỹ tại Ba Lan dự kiến tăng lên ít nhất 5.500.
Giới chuyên gia nhận định rút quân khỏi Đức là động thái sai lầm về mặt chiến lược và không mang lại lợi ích nào cho Mỹ, đồng thời làm ảnh hưởng tới hình ảnh nước này trong mắt đồng minh. Mỹ có thể lãng phí hàng tỷ USD đã chi để nâng cấp các cơ sở quân sự tại Đức, đồng thời phải chi thêm nhiều tiền để xây dựng các căn cứ tại những nơi khác nếu chuyển quân tới.
Agathe Demarais, giám đốc ban dự báo toàn cầu thuộc tổ chức Economist Intelligence Unit, nhận định quyết định rút quân chỉ là một góc của bức tranh lớn hơn về sự tan rã trong mối quan hệ Mỹ - Đức.
"Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump là hai cá tính hoàn toàn khác biệt và họ đã không thể xây dựng được bất kỳ mối quan hệ tích cực nào kể từ khi Trump nhậm chức hồi năm 2016", Demarais nói.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)