Tờ Spiegel của Đức ngày 5/6 dẫn nguồn tin cho biết Nhà Trắng đã thông báo cho quốc hội Mỹ kế hoạch rút 5.000-15.000 lính trong số 34.500 quân đồn trú tại Đức, một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở châu Âu. Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cùng ngày cũng tiết lộ với WSJ rằng Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút 9.500 binh sĩ khỏi Đức, đồng thời giới hạn lực lượng Mỹ đồn trú tại quốc gia này ở mức 25.000.
Theo quan chức này, đây là kết quả sau nhiều tháng thảo luận của các lãnh đạo quân đội Mỹ, không liên quan đến căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từ chối tới Washington tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến vào tháng này, nhưng đã bị hoãn.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin am hiểu vấn đề khác cho biết một số quan chức cấp cao tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã ngỡ ngàng trước kế hoạch này.
Họ không hay biết về quyết định rút quân cho tới khi đọc được bài báo của WSJ, đồng thời suy đoán nguyên nhân có thể là mâu thuẫn giữa Trump và G7, hoặc do ảnh hưởng của Richard Grenell, cựu đại sứ Mỹ tại Đức vừa từ chức hôm 1/6 và là một người trung thành với Trump.
Tuy nhiên, Grenell cho biết "tất cả đều là tin đồn" và từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể về quyết định của Trump, cũng như vai trò của ông trong quá trình dẫn tới quyết định đó. Tuy nhiên, cựu quan chức nói thêm rằng việc rút bớt quân "đã nằm trong kế hoạch từ năm ngoái".
Cựu đại sứ này cũng nhấn mạnh nỗi tức giận của chính quyền Trump với việc Đức không đáp ứng được mục tiêu của NATO chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Ông nhấn mạnh rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ đích danh Đức là nước duy nhất không đệ trình một kế hoạch vững chắc về cách thực hiện cam kết này.
Một quan chức giấu tên khác của Mỹ cho hay Lầu Năm Góc chưa nhận được mệnh lệnh chính thức yêu cầu giảm số lượng binh sĩ tại Đức. Một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là không ngờ tới việc này và đang vật lộn tìm cách lý giải, cũng như xem xét tác động của nó đối với Đức.
Giới chức Đức hôm 8/6 cho biết họ cũng chưa nhận được xác nhận về động thái của Mỹ. Tuy nhiên, Peter Beyer, điều phối viên quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chính phủ Đức, cho biết việc này có thể "làm rung chuyển các trụ cột trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương".
Mỹ triển khai quân đồn trú tại Đức sau Thế chiến II, tiếp tục duy trì qua Chiến tranh Lạnh cho tới nay. Đức trở thành một trung tâm lớn cho hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ, đóng vai trò trạm trung chuyển binh sĩ và trang bị tới Iraq và Afghanistan. Đức cũng là nơi Mỹ đặt sở chỉ huy các chiến dịch tại châu Phi và điều khiển máy bay không người lái (UAV) thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)