Tờ Spiegel của Đức ngày 5/6 dẫn nguồn tin cho biết Nhà Trắng đã thông báo cho quốc hội Mỹ kế hoạch rút 5.000-15.000 lính trong số 34.500 quân đồn trú tại quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, giới chức Đức chưa được thông báo về quyết định rút quân của Mỹ, chỉ biết qua truyền thông và "động thái này có thể bị coi là khiêu khích".
Trước đó, các quan chức chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã chỉ đạo cho Lầu Năm Góc rút bớt quân khỏi Đức cho tới tháng 9, đồng thời giới hạn lực lượng đồn trú tại đây ở mức 25.000. Theo quy định hiện tại, tổng số binh sĩ Mỹ tại Đức có thể lên tới 52.000 khi các đơn vị luân chuyển ra vào quốc gia này hoặc tham gia các đợt diễn tập.
Quyết định rút quân của Mỹ có thể được đưa ra vì bất đồng với Đức, khi Thủ tướng Angela Merkel từ chối tới dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 do lo ngại nCoV và khiến cuộc họp bị hoãn, Spiegel đưa tin. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, Mỹ có thể đã lập kế hoạch rút quân từ cuối năm 2019.
Quan hệ giữa Mỹ và Đức giảm xuống mức thấp nhất sau Thế chiến II vì nhiều bất đồng gồm tranh chấp thương mại, tranh cãi về vấn đề Iran và việc Mỹ yêu cầu Đức tăng chi tiêu quốc phòng. Trump và giới chức Mỹ nhiều lần nêu ý tưởng chuyển binh sĩ từ Đức sang Ba Lan, cho rằng Mỹ lãnh phí nhiều tiền để trợ cấp quốc phòng cho Đức trong khi nước này dùng khoản ngân sách tiết kiệm được để chi cho nhu cầu trong nước.
Thủ tướng Đức Merkel nói nước này "đã đầu tư rất nhiều" vào các khu vực quân đội Mỹ đồn trú và đó là "lý do chính đáng" để họ tiếp tục ở lại. Khi biết tin Mỹ có thể rút quân khỏi Đức, Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói "rất hy vọng" một phần lực lượng này có thể được điều đến Ba Lan.
Mỹ triển khai quân đồn trú tại Đức sau Thế chiến II, tiếp tục duy trì qua Chiến tranh Lạnh cho tới nay. Đức trở thành một trung tâm lớn cho hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ, đóng vai trò trạm trung chuyển binh sĩ và trang bị tới Iraq và Afghanistan. Đức cũng là nơi Mỹ đặt sở chỉ huy các chiến dịch tại châu Phi và điều khiển máy bay không người lái (UAV) thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik, Spiegel)