Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc rút bớt quân khỏi Đức cho tới tháng 9, các quan chức chính phủ Mỹ ngày 5/6 cho biết. Quyết định này sẽ thay đổi đáng kể vị thế quân sự của Mỹ tại châu Âu, phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Berlin về chi tiêu quân sự cùng các vấn đề an ninh khác, giới chuyên gia nhận định.
Lệnh rút quân sẽ cắt giảm 9.500 binh sĩ trong số 34.500 quân được triển khai thường trực tại Đức, đồng thời giới hạn lực lượng Mỹ đồn trú tại quốc gia châu Âu này ở mức 25.000. Theo quy định hiện tại, tổng số binh sĩ Mỹ tại Đức có thể lên tới 52.000 khi các đơn vị luân chuyển ra vào quốc gia này hoặc tham gia các đợt diễn tập.
Các quan chức cho biết Trump đã ra lệnh thay đổi bản ghi nhớ mà Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien mới ký. Quyết định rút bớt binh sĩ tại Đức vấp phải chỉ trích từ một số cựu quan chức quốc phòng cấp cao cùng các nhà lập pháp, họ lo ngại nó sẽ làm suy yếu thêm một liên minh quan trọng và trao sức mạnh cho các đối thủ của Mỹ.
Các quan chức Lầu Năm Góc từ chối bình luận thông tin.
Chuyên gia Mỹ cho rằng Nga có thể hoan nghênh động thái thể hiện công khai khác biệt giữa hai đồng minh quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nga chưa bình luận về quyết định rút bớt quân đồn trú tại Đức của Trump.
Một quan chức cao cấp nói giới chức Mỹ đã thảo luận về dự định rút bớt quân hồi tháng 9/2019, động thái này không liên quan tới việc Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định không tới dự hội nghị G7, dự kiến diễn ra tại thủ đô Washington vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết quyết định rút quân phản ánh thất vọng của chính quyền Trump với chính sách Đức trong thời gian dài, đặc biệt về chi tiêu quân sự của nước này và quyết tâm hoàn thành dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc nhằm chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga qua biển Baltic.
Một quan chức quốc phòng cao cấp của Đức cho biết giới chức nước này chưa được thông báo về kế hoạch cắt giảm quân đồn trú của Mỹ, dù đã biết tin qua các kênh ngoại giao.
"Chúng tôi luôn biết Trump sẽ chỉ trích khi ông ấy chịu áp lực trong nước, song chúng tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ rút quân ở Afghanistan trước tiên", quan chức này nói. "Bước đi này không giúp được những người bạn của Mỹ tại Đức, những người đang nỗ lực gìn giữ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, thậm chí thúc đẩy thái độ chống Mỹ đang lan rộng tại đây".
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)