Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 29/7 cho biết trong 34.500 nhân viên quân sự Mỹ đang đồn trú ở Đức, khoảng 6.400 người sẽ được rút về nước, trong khi gần 5.600 người sẽ được chuyển đến các thành viên NATO khác. Động thái này có thể khởi động trong vài tuần tới và mục tiêu chính của việc điều chuyển là củng cố sườn đông nam của NATO gần Biển Đen.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó lên tiếng giải thích quyết định này, cho rằng đây là động thái đáp trả vì Đức đã "chểnh mảng trong khoản đóng góp 2% cho NATO". Ông cũng chỉ trích việc Đức bỏ hàng tỷ USD mỗi năm để mua khí đốt của Nga, trong khi lính Mỹ lại phải triển khải để bảo vệ Đức khỏi Nga.
Tuy nhiên, cách giải thích của Trump không thuyết phục được các chính trị gia Mỹ và chuyên gia quốc tế, khi nhiều người cho rằng đây là một động thái sai lầm về mặt chiến lược của Mỹ, không mang lại bất cứ lợi ích nào cho Washington, trong khi hình ảnh của họ trong mắt đồng minh bị tổn hại nghiêm trọng.
Những tiếng nói phản đối cho rằng việc làm của Trump sẽ khiến Nga hưởng lợi, làm suy yếu an ninh quốc gia và khả năng sẵn sàng phản ứng của quân đội Mỹ, làm thiệt hại hàng tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ và gây xói mòn mối quan hệ giữa Mỹ với Đức, NATO và châu Âu.
"Việc đột ngột rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức (để đưa một nửa đến những quốc gia chi tiêu ít hơn cho quốc phòng) không hợp lý về mặt kinh tế, làm tổn thương sự đoàn kết của NATO và là một món quà cho Tổng thống Nga Vlaidmir Putin", đô đốc hải quân về hưu Jim Stravidis, cựu chỉ huy quân sự hàng đầu ở châu Âu và NATO, tweet.
Theo Stravidis, để xác định được hiệu quả của một quyết định triển khai quân, cần trả lời được câu hỏi đơn giản: Điều đó đem lại lợi ích cho ai. "Trong trường hợp này, tất nhiên Mỹ không được lợi lộc gì, vì họ sẽ mất các căn cứ chiến lược nằm sát nách đối thủ. Họ cũng không tiết kiệm được tiền, trong thực tế còn mất đi các khoản trợ cấp do Đức chi trả. Khi lính Mỹ rút về nước, Lầu Năm Góc sẽ phải cung cấp nơi đóng quân cho họ và nếu họ được tái triển khai, chi phí đi lại sẽ rất lớn", Stravidis viết.
Rachel Rizzo, chuyên gia về an ninh châu Âu tại Dự án An ninh Quốc gia Truman, cũng cho rằng việc làm của Tổng thống Trump "không đem lại bất kỳ lợi ích nào".
Giới phân tích cho rằng việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Đức chính là rút họ khỏi một vị trí trung tâm với mạng lưới vận chuyển và hậu cần tinh vi giúp gia tăng đáng kể tốc độ chuyển quân và trang bị quân sự ở châu Âu. Các căn cứ quân sự ở Đức là nơi giúp quân đội Mỹ tạo nên thế đối trọng vững chắc trước Nga.
Giảm hiện diện binh sĩ ở Đức có thể khiến Mỹ lãng phí hàng tỷ USD tiền chi gần đây cho việc nâng cấp các cơ sở quân sự ở nước này, trong khi đó, Washington sẽ cần chi thêm hàng tỷ USD nữa để xây dựng lại các cơ sở như vậy ở những nơi khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích quân sự đánh giá việc thay thế quân đồn trú thường xuyên bằng lực lượng triển khai luân phiên có thể khiến công tác huấn luyện với nước chủ nhà trở nên khó khăn hơn, tạo ra các vấn đề về niềm tin.
Các nhà phân tích và nghị sĩ Mỹ hoài nghi rằng Trump đơn giản chỉ muốn trừng phạt Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông đang có một mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt và từng nhiều lần giận dữ với bà trong các cuộc điện đàm.
Tổng thống Mỹ đã lên tiếng bác bỏ những hoài nghi, nhấn mạnh rằng việc giảm quân chỉ bắt nguồn từ việc Đức không thể đáp ứng các mục tiêu về chi tiêu quốc phòng và không liên quan đến những lý do chiến lược mà Bộ trưởng Esper đã nêu ra, bao gồm cả đối trọng với Nga.
Dù Esper nói rằng việc rút quân sẽ góp phần gia tăng nỗ lực kiềm chế Nga, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các binh sĩ Mỹ sẽ được điều tới đồn trú ở những quốc gia NATO giáp Nga, bất chấp việc các nước này đã yêu cầu từ lâu. Tổng thống Litva đăng trên Twitter nói rằng họ đã "sẵn sàng tiếp nhận binh sĩ Mỹ".
Theo Jeff Rathke, chủ tịch Viện Nghiên cứu nước Đức Đương đại thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ, rút quân khỏi Đức đồng nghĩa với việc đưa họ khỏi "nơi họ có thể hoạt động tốt nhất". "Đóng quân ở Đức, Mỹ có thể tiếp cận mạng lưới hậu cần phức tạp với các đường băng, căn cứ, đường sắt, cho phép Mỹ dễ dàng di chuyển trang thiết bị", ông nói.
Nước Đức cũng sở hữu cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, "không thể tìm thấy ở những nơi khác". "Chúng không có ở Ba Lan hay bất cứ nơi nào xa hơn về phía đông", Rathke nói.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, lưu ý rằng việc duy trì quân đồn trú ở Đức không chỉ cho phép Mỹ "tăng cường hiện diện ở khu vực Đông Âu nhằm kiềm chế Nga" mà còn "đem lại lợi ích an ninh cho Mỹ ở cả Trung Đông và châu Phi". "Nền tảng này không thể có được ở nơi nào khác", ông đánh giá.
Trung tướng Mark Hertling, cựu tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho rằng quyết định rút quân khỏi Đức không phải một "nước đi chiến lược". "Thay vào đó, nó gây ra hỗn loạn, ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu... đặc biệt khi nó diễn ra mà không có kế hoạch từ trước", ông nhấn mạnh.
Agathe Demarais, giám đốc ban dự báo toàn cầu thuộc tổ chức Economist Intelligence Unit, nhận định quyết định rút quân chỉ là một góc của bức tranh lớn hơn về sự tan rã trong mối quan hệ Mỹ - Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump là "hai cá tính hoàn toàn khác biệt và họ đã không thể xây dựng được bất kỳ mối quan hệ tích cực nào kể từ khi Trump nhậm chức hồi năm 2016".
Chính người Đức đã chỉ ra rằng bằng việc rút quân, chính quyền Trump đang đi ngược lại một số mục tiêu chung mà đôi bên từng cùng đưa ra.
"Rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức, Mỹ đi ngược hoàn toàn những gì mà Bộ trưởng Esper đã nêu", Norbert Roettgen, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của quốc hội Đức, cho hay. "Thay vì làm NATO trở nên vững mạnh hơn, họ lại khiến liên minh suy yếu. Ảnh hưởng quân sự của Mỹ không tăng lên mà sẽ giảm đi xét về mối quan hệ với Nga, Cận Đông và Trung Đông".
Tại Bavaria, nơi Mỹ có một số căn cứ đồn trú, Thủ hiến bang Markus Soeder tuyên bố "chúng tôi rất tiếc về quyết định của chính phủ Mỹ". "Thật không may, điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ Mỹ - Đức. Không có bất cứ lợi ích quân sự nào. Nó làm suy yếu NATO và chính cả Mỹ", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN)