Phát ngôn viên của chính phủ Anh ngày 24/11 xác nhận hải quân Mỹ đã bắt đầu triển khai tàu trục vớt tới Địa Trung Hải. Tuy nhiên, Mỹ chưa công bố thông tin cụ thể về con tàu và thiết bị được điều tới để hỗ trợ hải quân Anh vớt xác tiêm kích tàng hình F-35B rơi xuống biển hồi tuần trước.
Một nguồn tin hải quân Anh ngày 18/11 cho biết nước này đã đề nghị Mỹ giúp trục vớt chiếc F-35B và được đồng ý. Nguồn tin cho biết Anh có các đội trục vớt có khả năng thu hồi chiếc F-35, song nhân sự và phương tiện của Mỹ ở gần vị trí xảy ra tai nạn hơn.
Ngoài Mỹ, Italy cũng tham gia hỗ trợ hoạt động trục vớt tiêm kích F-35B của hải quân Anh. Tuy nhiên, một tuần sau tai nạn, hải quân Anh vẫn chưa đưa được xác chiếc F-35B lên khỏi mặt nước.
Trước đó, chuẩn tướng Simon Doran, chỉ huy lực lượng Mỹ trên chiến hạm Queen Elizabeth, cùng thiếu tướng Steve Moorhouse, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 21 của Anh, cam kết sẽ thu hồi xác chiếc F-35B. Các quan chức Anh và Mỹ từ chối tiết lộ thêm thông tin về nỗ lực trục vớt.
Tiêm kích F-35B của hải quân Anh ngày 17/11 cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở phía đông Địa Trung Hải, song máy bay gặp sự cố ngay khi rời đường băng, buộc phi công phải phóng ghế thoát hiểm.
Phi công sau đó được cứu hộ an toàn và đưa về chiến hạm, nhưng xác chiếc tiêm kích có giá gần 162 triệu USD, với radar và cảm biến có độ nhạy cao, rơi xuống vùng biển có độ sâu 1.600 m và có thể đã bị dòng hải lưu cuốn khỏi vị trí ban đầu.
Anh đang điều tra và chưa công bố nguyên nhân vụ tai nạn. Một nguồn tin hải quân Anh ngày 24/11 cho biết các điều tra viên nghi ngờ một tấm nhựa che mưa trên chiếc F-35B được tháo không đúng cách, sau đó bị động cơ hút vào, khiến tiêm kích mất lực đẩy trong lúc chạy đà, gây ra tai nạn. Hải quân Anh chưa bình luận về thông tin này.
Tàu sân bay Queen Elizabeth vận hành 18 tiêm kích F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng trước khi xảy ra tai nạn, gồm 8 chiếc của Phi đoàn số 617 không quân Anh và 10 máy bay thuộc Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến số 211 của Mỹ.
Đây là vụ rơi thứ năm của dòng tiêm kích tàng hình F-35, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
Mỹ từng mất một tiêm kích F-35A không quân và hai chiếc F-35B thủy quân lục chiến, trong khi một chiến đấu cơ F-35A Nhật Bản lao xuống biển khiến phi công thiệt mạng hồi năm 2019.
Nguyễn Tiến (Theo USNI)