"Phía Nga không rời mắt khỏi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth khi nó ở phía đông Địa Trung Hải. Thu hồi tiêm kích là ưu tiên hàng đầu nhằm ngăn nó rơi vào tay đối phương", nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Anh cho biết cuối tuần trước.
Quân đội Anh đang lo ngại nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm về tiêm kích F-35, loại khí tài phức tạp và bí mật nhất trong biên chế nước này, nếu lực lượng Nga ở Địa Trung Hải tiếp cận được xác máy bay.
![HMS Queen Elizabeth diễn tập ở Địa Trung Hải hồi tháng 7. Ảnh: Royal Navy.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/22/HMS-Queen-Elizabeth-6414-1637554492.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sP3u1Wt2EdlHqkjv9p-7Rw)
HMS Queen Elizabeth diễn tập ở Địa Trung Hải hồi tháng 7. Ảnh: Royal Navy.
Tiêm kích F-35B của không quân Anh gặp sự cố ngay sau khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở phía đông Địa Trung Hải hôm 17/11. Phi công phóng ghế thoát hiểm và được giải cứu an toàn, trong khi xác máy bay F-35B dường như đã di chuyển một quãng đường xa hơn so với vị trí lao xuống biển và đang nằm ở độ sâu khoảng 1.600 m.
Các nguồn tin hải quân Anh cho biết vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của chiếc F-35B. Nước này cũng điều động lực lượng tới khu vực để đảm bảo không nước nào trục vớt được chiếc F-35B trước họ, đồng thời đề nghị Mỹ hỗ trợ thu hồi xác phi cơ.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth phải chuyển hướng so với kế hoạch để tiến về gần bờ biển Hy Lạp, cho phép trực thăng đón phi công vào đất liền kiểm tra sức khỏe.
Tàu sân bay Queen Elizabeth vận hành 18 tiêm kích F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng trước khi xảy ra tai nạn, gồm 8 chiếc của Phi đoàn số 617 không quân Anh và 10 máy bay thuộc Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến số 211 của Mỹ.
Tai nạn hôm 17/11 là vụ rơi thứ năm của dòng tiêm kích tàng hình F-35, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
Vũ Anh (Theo Telegraph)