Tướng Simon Doran, chỉ huy lực lượng Mỹ trên tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth, hôm 22/11 cam kết thu hồi xác tiêm kích F-35B rơi xuống Địa Trung Hải tuần trước, trong bối cảnh quân đội Anh lo ngại nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm về dòng F-35 nếu hải quân Nga tiếp cận và vớt được xác máy bay.
Giới chuyên gia cho rằng Anh và Mỹ đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm xác chiếc F-35B, nhất là khi nó được cho là còn gần như nguyên vẹn khi lao xuống biển ở tốc độ thấp ngay sau khi cất cánh. Nga chưa bình luận về sự việc, nhưng nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Anh cho biết "lực lượng Nga không rời mắt khỏi HMS Queen Elizabeth" từ sau tai nạn.
Các nguồn tin hải quân Anh cuối tuần trước cho biết vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của chiếc F-35B gặp nạn. Nước này cũng điều động lực lượng tới khu vực để đảm bảo không nước nào trục vớt được chiếc F-35B trước họ, đồng thời đề nghị Mỹ hỗ trợ thu hồi xác phi cơ.
Quá trình trục vớt sẽ bắt đầu khi xác định được vị trí xác máy bay. Giới chức Anh nắm được địa điểm phi cơ rơi xuống, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để biết chính xác nó nằm ở đâu dưới đáy biển. Vùng biển chiếc F-35 gặp nạn có độ sâu trung bình 1.500 m, nhưng nó không chìm thẳng xuống như một tảng đá mà có thể bị cuốn theo dòng hải lưu và nằm lại ở khu vực cách xa nơi xảy ra sự cố.
Lực lượng chuyên trục vớt khí tài của Anh đóng tại Scotland, cần nhiều thời gian để tập hợp và di chuyển đến phía đông Địa Trung Hải. Trong khi đó, hải quân Mỹ duy trì trang thiết bị thu hồi khí tài ở nhiều căn cứ trên khắp thế giới, nằm trong Hệ thống Trục vớt Khí tài Khẩn cấp (ESSM). Căn cứ ESSM gần nhất nằm ở Rota, Tây Ban Nha, và nhiều khả năng sẽ là nơi huy động lực lượng tham gia tìm xác máy bay F-35B.
Hải quân Anh biên chế ba tàu khảo sát hải dương có khả năng vẽ bản đồ đáy biển và tìm kiếm xác khí tài, nhưng trong cuộc đua gấp rút hiện nay, giới chức Anh sẽ tập trung xác định vị trí chiếc F-35B nhờ bộ phát tín hiệu "ping" khẩn cấp được kích hoạt trong tai nạn.
Hải quân Mỹ có hệ thống TPL-25 chuyên thu thập tín hiệu từ máy định vị trên các máy bay gặp nạn, gồm thiết bị nặng 30 kg được kéo sau tàu ở khoảng cách 2-10 km, có cảm biến phát hiện được tiếng ping từ độ sâu lên tới 6.000 m.
Sau khi định vị được xác máy bay, các tàu Mỹ sẽ triển khai phương tiện lặn điều khiển từ xa (ROV) để tiếp cận, gắn các túi khí vào khung thân máy bay. Chúng sẽ được bơm đầy khí để đưa xác phi cơ nổi lên mặt nước. Quá trình này có thể gặp khó khăn nếu máy bay vỡ thành nhiều mảnh, cũng như đối mặt nhiều nguy cơ nếu chiếc F-35B mang theo tên lửa chiến đấu.
Sau khi nổi lên mặt nước, phi cơ sẽ được đưa lên một tàu trục vớt và đưa vào bờ khám nghiệm, xác định nguyên nhân tai nạn.
Hồi tháng 3, hải quân Mỹ trục vớt được một trực thăng Seahawk ở độ sâu gần 5.800 m ngoài khơi Okinawa, lập kỷ lục mới về thu hồi khí tài chìm dưới đáy biển. Hải quân Anh hồi năm 2002 cũng trục vớt được xác trực thăng Lynx ở độ sâu 4.000 m, giúp xác định lỗi động cơ nghiêm trọng.
Các bình luận viên của Navy Lookout, trang chuyên phân tích về hải quân thế giới, cho rằng quân đội Nga sở hữu nhiều thiết bị thăm dò đáy biển đủ sức tìm kiếm xác chiếc F-35B. Tuy nhiên, Nga ít có cơ hội trục vớt được tiêm kích tàng hình gặp nạn, do nhiều tàu mặt nước và tàu ngầm NATO liên tục quần thảo tại khu vực chiếc F-35B rơi, khiến mọi nỗ lực bí mật định vị và tiếp cận xác máy bay đều không thể thực hiện.
Vũ Anh (Theo Navy Lookout)