Tác giả Ce Phan là giáo viên tại Nhật Bản, chia sẻ bài viết về bắt nạt học đường ở nước này:
Bắt nạt học đường là một vấn nạn toàn cầu. Nó xảy ra ở khắp mọi nơi kể cả những đất nước có nền giáo dục tiên tiến. Nhật Bản là một ví dụ điển hình khi mà Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã cho thấy việc bắt nạt trong trường học ở Nhật ở mức cao trong nhóm các nước phát triển được họ khảo sát.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng nhận ra là con cái của họ có đang bị bắt nạt ở trường hay không.
Là giáo viên đang dạy học tại Nhật Bản nên tôi sẽ chia sẻ những trường hợp được cho là dấu hiệu của sự bắt nạt cần phải loại bỏ ra khỏi trường học. Bên cạnh đó bài viết cũng sẽ nêu ra một vài biện pháp mà thầy cô hoặc phụ huynh có thể áp dụng giúp các em vượt qua những trường hợp này.
1. Trẻ em giành đồ chơi
Khi có con bạn sẽ hiểu rằng cảm giác muốn sở hữu là một trạng thái bình thường ở trẻ nhỏ. Về mặt tự nhiên, các em sẽ có xu hướng giành lấy một món đồ nào đó mà các em đang chú tâm. Dĩ nhiên, các em thường không biết chia sẻ nếu không được chỉ dẫn từ người lớn.
Ở Nhật Bản, việc một số em thường xuyên giành giật đồ chơi của các em khác được xem là một kiểu bắt nạt. Khi một đứa trẻ đang chơi một món đồ và bị một đứa trẻ khác giật lấy món đồ trên tay mà không hỏi xin phép là một hành động không thể chấp nhận được trong trường học.
>> Bài viết cùng tác giả: Cha mẹ Nhật lo lắng gì khi con vào lớp 1?
Giáo viên sẽ dạy các em cách hỏi khi muốn có một món đồ nào đó và dĩ nhiên cũng dạy các em cách trả lời khi có người đề nghị chia sẻ một món đồ. Ví dụ: một em đến hỏi: "Cho mình mượn đồ chơi đó được không?", bạn kia thường được khuyên trả lời "Hãy đợi một tý nhé!". Việc kiểm soát thời gian trẻ em chơi một món đồ cũng khá quan trọng để các em cảm thấy mình luôn có cơ hội được chơi món đồ mình thích. Bên cạnh đó, giáo viên thường sẽ hỏi món đồ các em thích chơi trước và sẽ dàn xếp hoặc tạo ra một số luật chơi trước khi cho các em chơi.
Tuy nhiên, người tác động phần lớn đến cách các em ứng xử với đồ chơi lại là cha mẹ hoặc anh chị ở nhà. Ba mẹ thường ít có biện pháp để kiểm soát số lượng đồ chơi mà các em có ở nhà cũng như thời gian chơi mỗi lần. Các em thường được tự do chơi ở nhà hơn là trên trường và vì thế các em sẽ có sự so sánh giữa hai sự khác biệt đó. Nhiều phụ huynh chỉ mua đồ chơi cho các em mỗi khi con vừa làm tốt một việc gì đó, cũng như cho phép các em chơi nhiều hơn một chút nếu có hiểu hiện tốt. Đó là một cách làm đúng đắn.
2. Học sinh bị bắt nạt bằng lời nói
Mặc dù trường học là nơi tạo ra nhiều chuẩn mực về giao tiếp lịch thiệp nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp sử dụng ngôn ngữ không đúng mực giữ học trò với học trò và thầy cô với học trò. Việc phân biệt đối xử với người khác bằng lời nói cũng được liệt kê là một kiểu của bắt nạt học đường.
Ở Nhật Bản, cả học trò và giáo viên sẽ nhiều lúc vấp phải lỗi này mà không hề biết mặc dù các cơ quan quản lý giáo dục luôn có các chỉ dẫn chi tiết về sử dụng ngôn ngữ đúng mực trong trường học. Chẳng hạn, khi giáo viên thấy một học trò không chịu rời tay mẹ khi người mẹ vừa đưa đến trường và nói "lớn rồi mà cứ bám tay mẹ, xấu hổ chưa kìa!" thì đã mắc một lỗi trong việc không tôn trọng học trò. Một ví dụ khác là các em học trò hay nói với nhau là "đồ ngốc!" cũng bị xem là cách nói không đúng đắn trong trường học.
>> Học trò Nhật bị hạn chế dùng điện thoại ở trường
Giáo viên thường có những buổi họp hàng tuần để nhìn nhận lại những vấn đề cách giao tiếp trong trường. Ngoài ra, giáo viên phải viết báo cáo hàng tháng về cách ứng xử giữa mình với đồng nghiệp và giữa giáo viên với học sinh. Các buổi đào tạo về những ứng xử đúng mực được thực hiện ít nhất một lần mỗi học kỳ để giáo viên nâng cao nhận thức hơn nữa về vấn đề này.
Thực ra người chịu áp lực không kém trong việc giao tiếp đúng mực đó là phụ huynh. Ngôn ngữ sử dụng trong gia đình thường rất phóng khoáng nên mỗi khi cha mẹ muốn truyền đạt một cách nghiêm túc và tôn trọng con cái thì thường gặp khó. Vì thế, ở nhà thường có một người luôn sẵn sàng làm bạn để chơi "ngang hàng" với con và một người nghiêm nghị theo kiểu "thầy giáo". Hoặc cha mẹ sẽ phải biến hóa trong cách giao tiếp để trẻ biết lúc nào chơi, lúc nào cần nghiêm túc.
3. Học sinh bị bắt nạt bằng bạo lực
Bạo lực học đường hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản bởi vì nội quy trường học ở đây rất nghiêm khắc. Hơn nữa, nếu một người lớn có hành vi "đụng tay đụng chân" với học sinh thì chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề trước pháp luật.
Nhìn lại thời còn đi học, chuyện chứng kiến một người bạn bị ai đó hoặc cả nhóm đánh là điều không hiếm ở Việt Nam. Nhiều bạn còn không dám đi qua một đoạn đường nào đó do sợ bị chặn đánh. Thầy cô có đánh đòn thì cũng ráng chịu vì có vẻ cha mẹ thời đó dễ chấp nhận phương pháp này hơn (có lẽ họ cũng đánh đòn con cái ở nhà).
Giáo viên ở Nhật dĩ nhiên không bao giờ dám làm đau học trò ở bất kỳ hình thức nào nên cũng không thấy ai nói tới vấn đề này trong trường học. Nếu có một học trò nào đó bị xô ngã hoặc bị bạn cố tình ném bóng vào mặt thì sẽ là một câu chuyện lớn trong trường. Chắc chắn những chuyện như vậy sẽ bị xử lý nghiêm và trao đổi với phụ huynh.
>> Trẻ em Nhật khổ trước, sướng sau
Cha mẹ ở Nhật cũng không đánh con vì điều này sai luật. Con cái của họ có thể báo với trường nếu bị cha mẹ đánh. Ở trường luôn có một giáo viên tư vấn để luôn lắng nghe những trường hợp như vậy. Cách tốt nhất để dạy con cái là cứ tiếp tục kiên trì giao tiếp với chúng và cố gắng để không nổi nóng.
4. Những trường hợp bắt nạt học đường được xem là đặc biệt
Ngoài ra còn có những kiểu bắt nạt ở trường học nảy sinh gần đây trong thời kỳ bùng nổ internet và toàn cầu hoá.
Ngày nay, học sinh ở Nhật Bản tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh ngày càng nhiều. Các em cũng tham gia vào các mạng xã hội như người lớn và lập ra nhiều nhóm bạn bè. Các em duy trì tình bạn qua mạng internet cũng khăng khít không thua kém việc tương tác trên trường. Tuy nhiên, trường hợp xấu đó là một em hoặc một vài em bị cho ra ngoài rìa và không tham gia vào được các nhóm tán gẫu này. Tâm lý bị bạn bè cho ra khỏi nhóm ảnh hưởng rất tiêu cực đến học sinh nên các nhà giáo dục ở Nhật cũng rất chú tâm vấn đề này.
Một kiểu phân biệt khác đó là sự phân biệt văn hoá, màu da hoặc vùng miền. Khi mà học sinh người nước ngoài đến Nhật Bản cùng cha mẹ ngày càng nhiều hơn thì số trường hợp bị phân biệt đối xử cũng được ghi nhận nhiều hơn. Mặc dù thầy cô trong trường luôn được nhắc nhở là phải công bằng đối với tất cả các em học sinh, nhưng các em học sinh thì vẫn còn những khoảng cách nhất định và thậm chí là sự phân biệt hoặc kỳ thị đối với những học sinh khác biệt với mình.
>> Cuốn nhật ký trong toilet ở Nhật Bản
Đối với phụ huynh thì hai kiểu bắt nạt này rất khó nhận ra bởi vì nó thể hiện qua không gian mạng hoặc đôi lúc chỉ bằng ánh mắt. Nhưng nếu vấn đề này không được phát hiện sớm thì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của các em. Cách tốt nhất là hãy tạo ra mối quan hệ gần gũi với con cái và với những phụ huynh khác để cùng nhau trao đổi về chuyện trường lớp và để các em gần nhau ở bên ngoài trường học hơn.
Ce Phan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.