Sau bài viết Học trò đánh bạn đăng trên VnExpress, nhiều độc giả chia sẻ ý kiến về việc dạy dỗ học sinh.
Xử lý hình sự với hành vi bạo lực học đường là biện pháp sau cùng
Gần 50% thanh thiếu niên độ tuổi đi học trên thế giới đều từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Thực tế đã cho thấy:
1. Càng dưới những mái ấm mà các thành viên duy trì được sự gắn kết, tôn trọng, quan tâm lẫn nhau, nuôi dưỡng các cảm xúc tích cực thì mối quan hệ giữa các cá nhân đó với xã hội cũng lành mạnh, không nảy sinh hành vi bạo lực.
Trái lại, một gia đình xảy ra bất hòa thường trực sẽ gây ức chế cảm xúc, các thành viên dễ có hành vi thiếu kiềm chế, gây hấn, thậm chí bạo lực với người khác hơn.
2. Hầu hết con trẻ vướng vào hành vi bạo lực học đường, bắt nạt người khác đều thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành, xem phim hay chơi các games có nội dung bạo lực.
3. Không nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi của mình: thế nào là xâm hại, hạ nhục người khác? Hành vi bắt nạt bạn có thể hay không thể chấp nhận? Rất nhiều em "phạm lỗi một cách hồn nhiên" mà không hay.
4. Quan niệm ở không ít bậc cha mẹ "thương cho roi, cho vọt" (trong gia đình); rồi nhiều hành xử của một bộ phận người lớn, kiểu "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" (ngoài xã hội) chẳng phải đã vô hình trung dung dưỡng, cổ xúy những mầm mống cho hành vi bạo lực học đường ư?
5. Chế tài nhằm răn đe, cách ly thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi bạo lực học đường chỉ là lựa chọn sau cùng. Ngọn nguồn, tối ưu vẫn là ươm trồng ở các em lòng nhân văn; ý thức tập thể, chan hòa với bạn bè.
Tôi tin, chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ gia đình - nhà trường - xã hội, đặc biệt, việc thay đổi nếp nghĩ, quan niệm, hành xử ở mỗi người lớn có diễn ra triệt để thì vấn nạn bạo lực học đường mới được giảm thiểu, đẩy lui.
Gia đình thờ ơ không dạy dỗ, sẽ "hưởng thành quả" con cái hư hỏng
Trách nhiệm thuộc về gia đình, trường học, xã hội - nói như vậy rất chung chung. Xã hội bây giờ phức tạp như nào? Tôi thấy có không dưới 10 kênh Youtube giang hồ ảo thu hút hàng triệu lượt xem. Người xem là đối tượng nào? Chủ yếu là lớp trẻ thôi.
Có bao nhiêu phần trăm gia đình quan tâm đến con cái? Chưa nói gia đình còn là môi trường xấu để con cái học tập vì xã hội bây giờ nhan nhản đối tượng sống bằng nghề cho vay nặng lãi...thì họ dạy con thế nào?
Vì vậy nhà trường phải theo sát học sinh, đảm bảo môi trường an toàn học tập' giám sát việc thực hiện nội quy. Còn khi ra môi trường xã hội thì vi phạm pháp luật cần phải xử cho đúng luật. Gia đình quan tâm dạy dỗ con như nào thì sẽ hưởng "thành quả" đó.
Gia đình và nhà trường phải sát sao con trẻ
Bản thân tôi cũng có một số góc nhìn:
1. Về phía phụ huynh: cần có sự quan tâm và có có sự kết nối thường xuyên với con cái. Để biết và hiểu được con đang gặp phải vấn đề gì, ra sao từ đó có biện pháp can thiệp, hướng dẫn kịp thời, đúng cách như bầu bạn chia sẻ, làm gương, phân tích đúng sai, hậu quả...
Đặc biệt là tránh răn đe bằng chửi mắng, đánh đập. Nên nhớ con cái là món quà quý giá nhất mà cha mẹ nhận được. Nếu thương con thì hãy gắng dành thời gian bên con.
2. Về phía nhà trường: không phải cha mẹ nào cũng có khả năng chu toàn trong việc giáo dục con cái vì vậy rất cần sự hỗ trợ thêm từ nhà trường, nên có chuyên viên tham vấn tâm lý có chuyên môn tốt, giúp đỡ cho các em gặp vấn đề như: bị bắt nạt, quấy rối, lạm dụng, áp lực trong việc học, quan hệ bạn bè, gia đình...một giọt nước đều có thể làm tràn ly, nhất là trong độ tuổi tâm sinh lý chưa ổn định.
Hơn nữa, các tiết học giáo dục công dân nên hướng dẫn các em về những bài học thực tế về kỹ năng sống: quản lý cảm xúc, mối quan hệ, xử lý vấn đề... Những kỹ năng được trang bị này sẽ đi theo các em cả đời và không ai có thể bảo vệ các em tốt nhất bằng chính bản thân mình cả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.