Tác giả Ce Phan là giáo viên ở Nhật Bản, chia sẻ bài viết về vấn đề học sinh dùng điện thoại trong trường học:
Quyết định sửa đổi thông tư của Bộ Giáo dục về việc sử dụng điện thoại trên trường học đã tạo ra những ý kiến trái chiều nhau. Đây cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi ở nhiều nền giáo dục khác nhau trong sự cân bằng giữa lợi ích của việc sử dụng điện thoại trên trường và những tác hại của nó. Riêng ở Nhật Bản, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong những trường hợp rất hạn chế trong trường học.
Cũng tương tự như ở Việt Nam, số lượng học sinh Nhật Bản sở hữu điện thoại ngày càng tăng cao. Theo số liệu được thống kê trong năm 2019, tỷ học sinh Nhật Bản có sở hữu điện thoại là 3%; 14%; 18%; 63% cho các đối tượng lần lượt là lớp 1-2; 3-4; 5-6 và trung học. Tỷ lệ này cũng phản ánh mức độ chấp nhận sử dụng điện thoại của phụ huynh dành cho con cái cũng tăng dần khi các em lớn lên.
>> Bài viết cùng tác giả: Học sinh Nhật được phát sách giáo khoa miễn phí
Mặc dù việc học trò có điện thoại riêng là lựa chọn mang tính cá nhân nhưng trường học ở Nhật rất dè dặt trong việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại bên trong trường học. Theo một quyết định từ Bộ Giáo dục Nhật Bản vào năm 2019 thì trung học cơ sở trở xuống bị cấm mang điện thoại lên trường học. Gần đây họ đã cân nhắc lại quyết định trên sau những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho học trò vì thiên tai khi các em đi học.
Hiện tại, các chính quyền địa phương ở Nhật Bản sẽ có quyết định riêng của họ rằng học sinh có được phép mang điện thoại lên trường hay không. Những trường học cho phép các em mang theo điện thoại đều có những hướng dẫn sử dụng rất cụ thể để tránh việc lạm dụng điện thoại trên trường học.
Theo đó, điện thoại các em phải để ở chế độ khoá trong suốt giờ học. Các em được phép mở điện thoại trong những giờ giải lao nhất định hoặc lúc đang di chuyển trên đường.
>> Trẻ em Nhật khổ trước, sướng sau
Đối với học sinh trung học thì các em được đồng ý mang điện thoại lên trường nhiều hơn. Sẽ có nhiều khoảng thời gian hơn để các em sử dụng điện thoại cho mục đích học tập. Tuy nhiên, gần như rất hiếm có trường hợp các em được phép sử dụng điện thoại trong lớp học.
Mặc dù điện thoại ngày càng được mọi người sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau, trong đó có học tập. Nó vẫn còn được xem là công cụ cần được hạn chế trong trường học ở Nhật bởi vì những tác hại mà nó mang lại.
Không những thế, phụ huynh ở Nhật cũng rất dè chừng trong việc cho phép con cái của họ sử dụng điện thoại hay các phương tiện điện tử ở nhà. Những vấn nạn về nghiện game, nghiện internet và những thông tin độc hại chính là những lo ngại chính trong việc hạn chế các thiết bị công nghệ cao tới học sinh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Ce Phan