Sau bài viết Tôi nhút nhát nơi đông người vì bị bạn bè bắt nạt thuở dậy thì nhiều độc giả chia sẻ:
Đọc bài tôi lại nhớ đến thuở học trò của tôi. Tôi học giỏi nhất nhì lớp từ lớp 5 đến lớp 12. Tôi để ý mỗi khi chuyển lớp là tôi bị ganh tị, coi thường và bắt nạt vì cơ thể tôi ở mức trung bình, nhưng sau vài tháng thì tình hình thay đổi.
Tôi là con trai, bị coi thường hay bị thách đố nên tôi từng phải vật lộn, gồng tay, đấm mặt bàn, và tôi đều thắng. Vì có thể tôi được học võ, hít xà ngang, hít đất, xách nước mỗi ngày, nên sức của tôi không đến nỗi. Kết quả là tình hình thay đổi.
Khi đó chỉ là thi đua sức khỏe chứ không làm đau nhau nên không khí vui vẻ, và cho đến bây giờ là bạn thân với nhau.
Bo
Tôi từng giống hệt tác giả bài này, mặc dù tôi cao to nhất nhì trường. Nhưng tôi không giống ở chỗ tôi phản kháng, thậm chí tôi đã bị đánh giá là cá biệt khi một mình chống lại năm kẻ bắt nạt.
Mẹ tôi là giáo viên nhưng không can thiệp khi tôi bị bắt nạt. Bố tôi luôn nói rằng hãy tự giải quyết vấn đề của mình, đàn ông con trai bị bắt nạt mà cầu cứu người khác là hèn. Khi tôi chống trả chúng bạn, về sau tôi mới biết, bố tôi chứng kiến từ khi tôi là học sinh bị bắt nạt tới lúc nhà trường nhận xét tôi cá biệt nhưng không hề can thiệp. Bố chỉ dặn tôi, không được gây sự trước và không được gây thương tích cho người khác, đánh đủ đau để không bị bắt nạt sau này là được.
Rồi tôi rút ra, nhún nhường quá sẽ bị bắt nạt, phản kháng trong sự liều lĩnh sẽ trở thành kẻ cầm đầu, đắm chìm trong quyền lực sẽ đánh mất mình và trông chờ vào người khác là hèn nhát. Cho đến nay, tôi vẫn thấy điều đó còn đúng.
Tôi không bị bạn bè bắt nạt. Nhưng nói đến việc thiếu tự tin thì mình lại nghĩ đến chuyện bị vài cô giáo hạ nhục. Không đi học thêm thì mỗi lần giơ tay phát biểu không giống ý của cô lại sỉ vả, chê bai. Nhớ nhất có lần còn nói là "Phát biểu sai làm mất thời gian của lớp". Câu nói đó làm tôi không dám giơ tay phát biểu từ năm lớp 7 luôn vì sợ làm mất thời gian của các bạn.
Ám ảnh đến sau này, lên lớp 10 gặp cô giáo môn tiếng Anh. Cô thường gọi những đứa ít hoặc không giơ tay phát biểu. Vài lần mình phát biểu đúng cô hỏi sao "Biết không giơ tay". Cô thấy mình run run thì cô động viên rất nhiều, bảo đừng sợ sai, cứ giơ tay ý kiến nhé, thế là đúng mỗi tiết của cô mình mới dám giơ tay phát biểu dù sai nhiều hơn đúng.
Tôi cũng từng có một khoảng thời gian cấp hai gần giống bạn. Nhưng khác cái là tôi không nói với gia đình vì căn bản tôi không thể chia sẻ, và không biết cách chia sẻ như thế nào.
Bố mẹ tuy rất thương tôi (sau này lớn lên tôi mới hiểu hiểu) nhưng hầu như rất ít thể hiện. Mọi người trong nhà hầu như rất ít nói chuyện, mọi người chỉ trao đổi những điều cần thiết, chứ hiếm khi hỏi tôi như thế nào, học thế nào...
Anh chị thì lớn hơn tôi rất nhiều nên cũng khó chia sẻ. Lớn lên dù đã cải thiện và cố gắng cởi mở hơn với mọi người nhưng ít nhiều tôi vẫn có những e dè nhất định, và cảm thấy chỉ có thể giao tiếp tốt trong bối cảnh hai người, thay vì nhiều người.
Vậy nên theo tôi thì không chỉ ba mẹ nên quan tâm đến con cái mà các gia đình còn cần tạo thói quen mọi người trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ cùng nhau để trẻ học cách biểu đạt cảm xúc và dễ chia sẻ hơn ở lứa tuổi đó và lớn lên tự tin, cởi mở hơn với mọi người.
Em CÁM
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.