Bất kỳ ai, khi chọn một nghề nào đó, đều mong muốn có cho mình những khoản thu nhập xứng đáng với giá trị, công sức mà các bạn theo đuổi. Xét về góc độ kinh tế - vấn đề chúng ta quan tâm nhất khi chọn nghề - thì để hành nghề thành công, các bạn cần tới ba yếu tố sau:
1. Thị trường: Mục tiêu kinh tế của một nghề là yếu tố mà đa phần chúng ta khi chọn nghề nhắm tới. Ngoại trừ những trường hợp đã cảm thấy đủ ăn, đủ mặc hoặc được "nuôi", họ có thể chọn nghề mà không quan tâm nhiều mục tiêu kinh tế. Còn lại đa phần chúng ta là có xuất thân khá thấp nên phải tự tìm được nghề có các đáp ứng về mục tiêu kinh tế.
Để chọn những nghề có mục tiêu kinh tế khả thi, đa số chúng ta sẽ chọn những nghề nghiệp đang ở đỉnh của thị trường, là trung tâm của ngành công nghiệp thời điểm hiện tại và các dự đoán trong tương lai thường là từ 10 đến 20 năm sau, thậm chí lâu hơn nữa. Chẳng thế mà những ngành nghề "hot" thường là những ngành nghề ở đỉnh thị trường thời gian rất lâu, khó có thể thay thế, như các ngành nghề liên quan tới công nghiệp sức khỏe (y tế), giáo dục (giáo dục nghề nghiệp trình độ cao), kỹ sư tự động hóa, điện tử, cơ khí, các ngành dịch vụ... Các ngành này thường có số lượng thí sinh đăng ký rất lớn, tỷ lệ chọi cao.
>> 20 năm tươi sáng dù chọn trường đại học không tên tuổi
2. Nguồn lực (vốn): Khi nhắc tới yếu tố vốn, không thể nhắc tới "vốn sức khỏe", ở đây chính là những phẩm chất cả về thể chất và tinh thần mà bạn cần chuẩn bị, hoặc đáp ứng được với nghề. Có những nghề nghiệp yêu cầu bạn phải có khả năng hướng ngoại tốt, cũng có những nghề chỉ phù hợp với các bạn hướng nội. Có nghề sẽ phù hợp với những bạn cơ bắp cuồn cuộn, cũng có nghề chọn các bạn thư sinh, yểu điệu, có nghề phải yêu cầu ngoại hình tốt, khá...
Các phẩm chất tinh thần cũng rất quan trọng, trong đó có yêu tố đam mê, sở thích với nghề nghiệp mà bạn định chọn. Nguồn lực rất quan trọng mà các bạn buộc phải xem xét tiếp theo chính là yếu tố "vốn nền tảng, cơ sở sản xuất". Ở đây chính là tiềm lực về các yếu tố phục vụ sản xuất, hành nghề của bạn, của xã hội nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mà bạn sẽ tham gia.
Bạn không thể chọn trở thành kỹ sư nông nghiệp nếu không có cơ hội làm việc trong một nền tảng xã hội nông nghiệp như ở các vùng chuyên về sản xuất nông nghiệp. Bạn cũng không thể chọn trở thành kỹ sư công nghiệp khi xã hội của bạn không có điều kiện triển khai nền tảng công nghiệp. Do đó, hãy cân nhắc vào yếu tố vốn, thị trường, cơ sở hạ tầng của xã hội lao động bạn trưởng thành ở thời điểm bạn định làm việc để chọn nghề cho phù hợp.
Phần đông chúng ta sẽ không thể có nguồn lực vốn hùng hậu, có cơ sở hạ tầng... mà phải phụ thuộc vào người khác (thường là các doanh nghiệp). Mô hình hoạt động của các doanh nghiệp chính là cho thuê tư liệu sản xuất (vốn và thị trường), còn nghĩa vụ của người lao động chính là đáp ứng được yêu cầu về vận hành tư liệu sản xuất ấy (phương thức sản xuất). Còn nếu xuất phát điểm của bạn có đủ nguồn lực để bạn có thể cho thuê hoặc tự vận hành tư liệu sản xuất thì bạn đã sinh ra ở vạch đích.
>> Thi Đại học nên chọn ngành trước chọn trường
3. Trình độ vận hành: Khi có đủ hai yếu tố về thị trường và nguồn lực thì các bạn có thể trở thành chủ doanh nghiệp và tiến hành cho thuê hoặc tự vận hành tư liệu sản xuất. Vậy khi là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ chọn người có trình độ vận hành tư liệu sản xuất hay sẽ chọn một kẻ "không biết gì"? Đương nhiên chính là chọn người có trình độ vận hành phù hợp với tư liệu sản xuất mà bạn có.
Tôi nhận mạnh yếu tố "phù hợp" chứ không nói tới yếu tố "xuất sắc", hay "ở đỉnh". Sự "phù hợp" này thường do ý chí chủ quan của người chủ doanh nghiệp, thường phụ thuộc vào trình độ quản lý và tham vọng của họ. Có những doanh nghiệp yêu cầu năng suất cao, cạnh tranh công nghệ khắc nghiệt... họ sẽ có những tiêu chí chọn lực lượng lao động có tay nghề cao. Cũng có những doanh nghiệp không yêu cầu năng suất cao mà chỉ yêu cầu giá rẻ, phải chăng... họ sẽ chọn người có trình độ thấp hơn một chút nhưng giá nhân công rẻ.
Phần đông chúng ta sẽ không có được "thị trường và vốn" hoặc là rất yếu, nên sẽ phải tập trung vào cạnh tranh trình độ, ở đây chính là "giáo dục nghề nghiệp". Khi đi làm một thời gian, bạn sẽ tiến hành tích lũy vốn và thông thạo thị trường. Khi có trình độ, vốn, thị trường, cũng là lúc các bạn có thể trở thành ông chủ, bà chủ doanh nghiệp từ xuất thân là người làm thuê.
Trong nhiều năm phát triển, trình độ sản xuất của xã hội ta đã ngày càng lớn, quy mô công nghiệp ngày càng nhiều thì các yêu cầu về lao động qua đào tạo ngày càng cao. Đặc biệt, khi có phong trào xuất khẩu lao động, mở cửa di cư lao động tự do thì việc các bạn có thể gia nhập được các xã hội có trình độ sản xuất tiên tiến càng lớn sẽ yêu cầu về đào tạo càng cao hơn bao giờ hết.
Mà khi nhắc tới đào tạo, người ta thường nhắc tới hệ thống đào tạo đại học chính quy. Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp tự đào tạo (tự học nghề) hoặc được dạy nghề phi chính quy (các trường nghề, hoặc tự học, truyền theo gia truyền, dạy việc tại chỗ...). Do đó, để xác định bạn theo đuổi loại hình đào tạo nào thì phải xem xét tới các yếu tố cá nhân, nhưng phần đông sẽ chọn giáo dục đại học.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.