"Nếu không quá khó khăn và muốn giữ tình bạn, thì tiền mừng cưới cũng nên cân đối sao cho phải phép. Chẳng hạn nếu trước đây người ta mừng cưới bạn một chỉ vàng thì giờ bạn cũng nên mừng lại bằng lượng vàng tương đương, cho dù giá có chênh lệch. Còn nếu khó khăn quá, thì bạn có thể mừng bao nhiêu cũng được nhưng cũng nên xin lỗi bạn mình một tiếng, rằng do hoàn cảnh nên phải làm thế chứ không phải là người không biết nghĩ.
Hồi tôi làm đám cưới, có bạn mừng tôi một chỉ vàng. Đến lúc bạn cưới, tôi mừng lại 100 USD, giá trị cũng tương đương với một chỉ vàng. Có bạn khác cưới trước, tôi cũng mừng một chỉ vàng. Nhưng tới khi tôi cưới, bạn chỉ mừng đúng một triệu đồng vì hoàn cảnh khó khăn. Và tôi chẳng nghĩ ngợi gì, tình bạn vẫn khắng khít và thân thiết từ trước đến giờ. Bởi, với tôi, vàng hay tiền mừng đó cũng đều là tấm lòng đáng quý dành cho nhau".
Đó là quan điểm của độc giả Hồng Hà xung quanh câu chuyện 'Bạn mừng cưới một chỉ vàng, tôi mừng lại chỉ 3,5 triệu'. Tiền mừng cưới là một nét thú vị trong văn hóa lễ cưới của người Việt, vừa giúp bày tỏ lời chúc hạnh phúc, tài lộc, sức khỏe của khách tham dự đến cô dâu chú rể vừa thể hiện thành ý muốn đóng góp một phần cho ngày vui của đôi tân lang tân nương. Tuy nhiên, với nhiều người, tiền mừng cưới cũng là một cách trả lễ cho nhau. Theo kiểu trước đây tôi mừng cưới bạn thế nào thì bây giờ bạn cũng phải mừng cưới tôi như thế.
Nói về chuyện mừng cưới bao nhiêu là đủ, bạn đọc MyloveisWinter cho rằng: "Với tôi, ai đã mừng cưới mình bằng vàng thì tôi cũng đều mừng trả đủ cho họ như vậy dù vàng có lên giá. Lúc cưới, gia đình tôi cũng phải oằn lưng lo đủ chi phí, tới khi cưới xong nếu không nhờ tiền mừng của mọi người thì chúng tôi cũng khó mà trang trải nổi, vợ chồng cũng chẳng có vốn mà làm ăn được. Nói cách khác, nhờ họ mà số tiền đó giờ đã sinh sôi gấp 5-6 lần, thế nên tôi trả lại cho họ nhiều hơn (do giá vàng tăng) cũng là điều dễ hiểu.
Còn nhưng ai vẫn lăn tăn chuyện mừng trả bao nhiều thì nếu trước đây được người ta mừng cưới bằng vàng, các bạn có thể không bán đi mà cứ để nguyên đó, sau này dùng chính số vàng đó để mừng lại là được, chẳng cần quan tâm giá cả lên xuống hay thiệt - hơn gì cả. Nếu bạn đã bán vàng họ tặng đi để làm việc khác thì sau này mua vàng tặng lại, giá có lên nhiều thì cũng phải tự chịu chứ không thể quy ra tiền như thời trước rồi bảo mừng tương đương.
Riêng về vàng, đối với tôi đó là khoản tích trữ, chỉ khi nào cần lắm mới phải đem bán và sau khi kinh tế ổn định sẽ mua lại ngay, ít nhất bằng đúng số đã bán ra. Tôi luôn tâm niệm, họ mừng cưới mình là mừng ân tình, nên mình trả lại cũng bằng lễ nghĩa là chính, không tính toán, nhưng vẫn phải hợp lý. Mừng vàng trả vàng, mừng tiền trả tiền, mừng đôla trả đôla... vậy thôi".
>> Nhóm bạn thân 10 năm không ai đến dự hay gửi tiền mừng cưới tôi
Cũng đồng tình với quan điểm mừng cưới bằng gì, trả lễ bằng đó, độc giả Nguyễn Anh Dân phân tích: "Vàng là vàng, tiền là tiền, không thể quy đổi rồi mừng cưới trả lễ. Ví dụ, mấy năm trước, anh A mượn anh B 80 triệu đồng để làm vốn. Anh B bảo không có sẵn tiền mặt mà chỉ có vàng nên cho vay hai lượng vàng. Giá vàng lúc đó là 40 triệu đồng/lượng. Hiện tại, anh B đang khó khăn, nên gặp anh A để lấy lại số vàng ngày trước. Trong trường hợp này, anh A phải trả anh B đủ hai lượng vàng, hay trả lại 80 triệu đồng (tương đương với giá trị lúc mượn)? Tôi nghĩ tất cả đều đồng ý rằng mượn vàng thì phải trả bằng vàng, chứ không thể trả lại tiền theo thời giá lúc trước được.
Chuyện mừng cưới cũng vậy. Đừng nghĩ có lễ nghĩa, có tình cảm là đủ, phải nghĩ đến chuyện sòng phẳng nữa. Trừ khi người thân trong gia đình như ông bà, tứ thân phụ mẫu, chú bác, cô dì... hai bên cho quà (kể cả vàng, tiền) thì không nói. Chứ bạn bè, dù thân thiết đến đâu cũng cần sòng phẳng. Ngày trước người ta chia vui với mình bằng một chỉ vàng, thì giờ mình không thể mừng lại số tiền mặc dù bằng với giá tiền một chỉ ngày trước, nhưng theo giá hiện tại chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 chỉ vàng".
Nhấn mạnh giá trị của việc giữ gìn một mối quan hệ trên nguyên tắc 'win - win', bạn đọc Ducnamnv kết lại: "Việc mừng cưới là tự nguyện nhưng người ta mừng mình một chỉ vàng ở thời giá 3,4 triệu đồng, thì sau bốn năm, giá vàng lên 6 triệu đồng một chỉ, nếu bạn chỉ mừng lại 3,5 triệu đồng sẽ là không công bằng. Nó chẳng khác nào người ta cho bạn cái ơn to, tình cảm nhiều, nhưng bạn trả lại ơn nhỏ thì sẽ là ích kỷ, mối quan hệ sẽ không bền lâu.
Giả sử sau bốn năm vàng mất giá về mức 2 triệu đồng, liệu bạn có nghĩ mình sẽ vẫn mừng 3,5 triệu đồng hay lúc đấy lại chỉ tặng lại một chỉ vàng cho rẻ? Trong mọi mối quan hệ, nếu không đảm bảo được nguyên tắc 'win - win', thì sẽ rất khó bền vững được".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.