"Còn nhớ, giá vàng năm 2019 nằm mức 40 triệu đồng một lượng. Đến năm 2020 giá vàng tăng mạnh, liên tục lập đỉnh ở mức 58 triệu đồng một lượng. Sau đó, giá vàng lại quay về mốc 55 triệu đồng một lượng và duy trì ổn định cho đến nay. Như vậy, gần một năm qua, giá vàng chỉ cầm chừng hoặc đi xuống. Nếu mức giá hiện tại mua vào khoảng 56 triệu đồng một lượng, nhưng bán ra chỉ 55 triệu đồng một lượng, vậy là bạn đã lỗ.
Nếu giá vàng tiếp tục đi xuống, bạn sẽ lỗ nhiều hơn; còn nếu giá lên, cùng lắm sẽ chỉ có thể cán mốc 58 triệu đồng một lượng là cao, vì thời điểm hiện tại, dù đại dịch tác động mạnh nhưng người dân đã dần thích nghi nên giá chỉ đứng hoặc giảm, khó có thể tăng cao được. Với mức giá đó, bạn có mua vào thì lợi nhuận cũng không đáng là bao nhiêu, nhưng rủi ro lại rất nhiều. Tóm lại, không nên đầu tư vàng lúc này".
Đó là quan điểm của độc giả Lam nguyen xung quanh câu hỏi "Có nên mua vàng lúc này?". Đóng cửa phiên giao dịch 27/8, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 1,34% và chốt phiên ở mức 1.816,8 USD một ounce. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết thấp hơn giá vàng SJC khoảng tám triệu đồng một lượng, tiếp tục duy trì chênh lệch ở mức cao trong những ngày qua.
Đồng quan điểm, bạn đọc Tuan nguyen cho rằng: "Vàng, cổ phiếu, bất động sản, và những gì liên quan đến tài chính đều có tính chất chu kỳ. Chu kỳ tăng của vàng 10 năm trước đang được lặp lại lúc này. Nếu nhìn vào biểu đồ giá vàng trong 20 năm trở lại, bán có thể đưa ra phân tích chính xác nhất trước khi quyết định có mua hya không? Theo tôi, từ năm ngoái đến năm nay, giá vàng đang lập đỉnh do ảnh hưởng dịch bệnh. Đến khi thế giới kiểm soát được Covid-19, khoảng hai, ba năm nữa, giá vàng sẽ về lại vùng trung bình mà thôi. Do vậy, không nên mua lúc này".
>> 'Nói Bitcoin giống vàng kỹ thuật số là sai lầm'
Đánh giá mức độ rủi ro khi mua vàng vào thời điểm hiện tại, độc giả Phe huynh phân tích: "Trước hết, bạn phải xác định mục đích của mình là đầu cơ hay để phòng hộ rủi ro lạm phát? Nếu là ý thứ hai, hiện tại bạn có thể phân bổ cho các danh mục đầu tư theo thứ tự rủi ro tăng dần như sau: tiết kiệm, USD, vàng, chứng khoán... Tùy theo mong muốn an toàn hay rủi ro cao hơn, bạn có thể phân bổ tỷ lệ đầu tư cho phù hợp.
Theo tôi, hiện tại, không nên đặt tất cả vào giỏ vàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thể kể đến như chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới còn cao (rủi ro điều chỉnh giá); qua tháng chín, các chỉ số kinh tế quan trọng được đưa ra và sẽ kỳ họp FED diễn ra sẽ khiến giá vàng thế giới biến động lớn và nhiều khả năng là giảm mạnh; và còn cả yếu tố kiểm soát được dịch bệnh. Hiện tại, theo quan điểm cá nhân tôi, nên ưu tiên cho kênh chứng khoán vì có tiềm năng tăng trưởng lớn".
Trong khi đó, đánh giá cao việc phân chia tài chính để đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bạn đọc Nguyendh2016 gợi ý: "Với việc có một khoản tiền dư không cần dùng đến, gửi ngân hàng để lấy lãi và tính như khoản đầu tư cho tương lai là hướng đi của nhiều người. Tuy nhiên, do lãi suất gửi tiết kiệm giảm, nên nhiều người lại muốn chuyển sang mua vàng. Theo tôi, cần cân nhắc kỹ hướng đầu tư mua vàng vào thời điểm này, vì lý do: giá trong nước đang chênh với giá thế giới quá nhiều, như vậy sẽ tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn và trung hạn. Vì khoảng 2-3 năm sau, nếu bạn có việc cần bán gấp số vàng trên, khi đó nếu giá trong nước và thế giới thu hẹp biên độ thì khả năng bạn bị lỗ là rất cao).
Theo tôi, bạn vẫn có thể trích khoảng 30-50% số tiền hiện có để mua vàng, nhưng không phải lúc này, mà chờ khi giá trong nước và thế giới thu hẹp chênh lệch ở mức hợp lý và coi như đây là khoản đầu tư dài hạn. Số tiền còn lại, bạn gửi ngân hàng khoảng 30%, khi cần có thể rút ra ngay để xử lý các việc cấp bách; số còn lại có thể tìm kênh đầu tư khác với lãi suất cao hơn. Như vậy, bạn đã chia số trứng hiện có ra thành ba giỏ khác nhau, vừa giúp tránh rủi ro, lại không khiến bạn bị quá thiệt thòi khi một giỏ nào đó có biến cố ngoài ý muốn".
Quan điểm của bạn thế nào?
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.