Tôi là tác giả của bài viết "Hai lý do không nên mua hay bán vàng vào lúc này". Thời gian qua, khi giá vàng tăng cao, tôi thấy nhiều người tranh nhau xếp hàng để mua vàng theo hiệu ứng "bầy đàn". Cuối cùng, họ toàn là "đu đỉnh". Qua đây, tôi xin chia sẻ lại cách thức đã giúp tôi thành công trong việc nắm giữ vàng vật chất để làm "của".
Nguyên tắc 1: Chỉ mua vàng bằng tiền nhàn rỗi. Theo định nghĩa của tôi, tiền nhàn rỗi là tiền không được sử dụng đến trong vòng ba năm, sau khi trích lập quỹ tiêu dùng, quỹ phòng ngừa rủi ro và nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguyên tắc 2: Cuối năm, dựa vào tình hình kinh tế thế giới và trong nước để dự báo diễn biến của giá vàng. Nếu giá vàng được dự báo sẽ tăng cao hơn lãi suất ngân hàng (trong năm) thì nên mua vàng. Ví dụ: cuối năm 2019 tôi dự báo năm 2020 vàng sẽ tăng 26% giá trị, trong khi lãi suất ngân hàng cao nhất cũng sẽ là 9%/năm, nên tôi đã rút hết tiền tiết kiệm nhàn rỗi ra để mua vàng.
Nguyên tắc 3: Không mua vàng khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 500.000đ/lượng (có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng từ 6-7 triệu đồng/lượng, mà mọi người vẫn đội mưa, xếp hàng đi mua vàng). Không bán vàng khi giá mua vào của các tiệm vàng thấp hơn giá bán ra nhiều.
>> Mua vàng những ngày giá tăng chóng mặt
Nguyên tắc 4: Phải phân tích kỹ lưỡng và dự báo tương đối chuẩn giá vàng thế giới để tìm ra cơ hội mua hay bán vàng. Nếu không biết, thì phải nhờ đến chuyên gia phân tích kỹ thuật tài chính có kinh nghiệm.
Theo kinh nghiệm của tôi, công cụ Sóng Elliot phản ánh khá trung thực giá vàng trong trung hạn. Thực tế, vào giữa năm 2019, khi phân tích Sóng Elliot, tôi thấy giá vàng mới bước vào sóng 3 Elliot (sóng tăng), nên tôi đã mạnh dạn rút tiền tiết kiệm nhàn rỗi ra để mua vàng. Lúc đó tôi mua với giá từ 36-37 triệu đồng/lượng.
Ngày 7/8/2020, giá vàng thế giới đang ở sóng 5 Elliot và sóng này đã quá dài (610 giá). Đồng thời cũng có những tín hiệu đảo chiều nên có khả năng vàng sẽ rớt mạnh và dài để hoàn thành bộ sóng theo chu kỳ A-B-C, do đó tôi đem hết số vàng cất giữ bán ra, được giá 60,5 triệu đồng/lượng. Tôi nghĩ trước sau gì trong vòng từ 4-8 tháng thì vàng sẽ rớt giá về đáy trung hạn là 1.520 USD/Ounce. Nếu tính luôn yếu tố lạm phát tôi đã tính ra giá vàng lúc đó sẽ là khoảng 45-48 triệu đồng/lượng.
Nguyên tắc 5: Tuyệt đối không nên lướt sóng vàng.
Qua bài viết này, tôi không có ý "múa rìu qua mắt thợ", mà chỉ ghi lại những nguyên tắc đã giúp tôi thành công trong việc nắm giữ vàng vật chất từ khi tôi mới khởi nghiệp sản xuất kinh doanh năm 26 tuổi đến nay.
ThS. Lê Tấn Lam Anh