(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Theo tôi, quan điểm "Hai lý do không nên mua bán vàng lúc này" của tác giả Lê Tấn Lam Anh chỉ đúng với những người lướt sóng vàng (ăn chênh lệch nhờ giá vàng tăng - giảm). Với người mua vàng nhằm mục tiêu giữ vốn, điều này lại không hợp lý. Ta đều biết giá vàng tăng hay giảm phụ thuộc vào kinh tế (kinh tế toàn cầu và kinh tế quốc nội). Kinh tế phát triển, làm ăn thuận lợi, người ta cần tiền để đầu tư gì đó, chi trả cho các hoạt động thường nhật, chẳng ai quan tâm giá vàng. Kinh tế suy thoái, không có chỗ để đầu tư (sản xuất kinh doanh), kinh doanh sụt giảm, nếu vẫn giữ tiền mặt thì khoản tiền ấy sẽ nhanh chóng "bốc hơi", người ta mới dùng tiền mặt ấy để mua vàng.
Với người mua vàng để giữ vốn, không cần quan tâm giá lên mà chỉ quan tâm giá xuống. Ví dụ, tại thời điểm bình thường, giá vàng là 42 triệu đồng/lượng. Thời điểm này, tôi vẫn làm ăn tốt, tôi mua vàng để làm gì? Khi chuyện làm ăn của tôi xấu đi, nhìn lên giá vàng thì nó đã ở mức xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng, tôi vẫn bỏ tiền ra mua. Bởi giá vàng sẽ không dừng lại ở mức đó, mà tiếp tục đi lên dù nhiều hay ít. Khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, giá vàng bắt đầu đi xuống. Đây mới là lúc tôi quan tâm giá vàng. Khi giá vàng xuống xấp xỉ bằng mức tôi mua vào (50 triệu đồng/lượng), tôi bán hết số vàng mình có để lấy tiền mặt. Tức là, từ lúc mua vào đến khi bán ra, tôi không lời một đồng nào cả. Mục tiêu của tôi không phải là tiền lời mà là muốn giữ vốn của mình không thay đổi trong thời gian kinh tế suy thoái.
Người lướt sóng vàng (hoặc lướt sóng chứng khoán, lướt sóng bất động sản) họ có tính toán riêng. Mục tiêu của bất kỳ hình thức lướt sóng nào là mua thấp bán cao, mua nhanh bán gấp, ăn chênh lệch giá. Những người chơi lướt sóng này chơi bất kỳ thời điểm nào, bất chấp kinh tế có biến động hay không. Trong khi đó, người mua vàng để giữ vốn chỉ nhằm mục tiêu trú ẩn, không quan tâm lời lỗ, tham gia vào chuyện mà mình không am hiểu (lướt sóng) có khi trắng tay. Như vậy, người mua vàng để giữ vốn có thể mua vàng ở bất kỳ thời điểm giá vàng nào và chỉ quan tâm khi giá vàng xuống thì bán ra đúng (hoặc cao hơn chút) giá mua vào.
Nói thị trường vàng Hà Nội sôi động, TP HCM im ắng không có nghĩa là mọi người ở hai nơi này không biết chơi vàng. Đó là do ảnh hưởng xấu của kinh tế tác động lên các vùng kinh tế của Việt Nam là khác nhau, không cùng một thời điểm. Với người trực tiếp nhận đơn hàng từ nước ngoài, nhìn thấy số đơn hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, việc đầu tiên mà họ nghĩ đến là rút tất cả các khoản đầu tư đi mua vàng. Với người nhận đơn hàng gián tiếp qua trung gian, không có cái nhìn trực quan về số lượng giảm các đơn hàng thì họ vẫn kinh doanh bình thường cho đến khi "cảm nhận" được tình hình xung quanh có dấu hiệu không ổn. Tức là, mua vàng sớm hay trễ là do anh biết thông tin sớm hay muộn mà thôi. Mua sớm hay trễ, giá cao hay thấp không ảnh hưởng gì đến mục tiêu giữ vốn. Người lướt sóng và người giữ vốn có mục tiêu khác nhau nên không thể đánh đồng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.