Vào một buổi sáng đầu tuần, tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê đầu ngày tại quán quen, ngay một góc đường nhỏ ở trung tâm thành phố Tây Ninh thì bỗng nghe "rầm". Tôi quay sang thì thấy một phụ nữ trung niên điều khiển xe môtô không có dấu hiệu giảm tốc đã tông thẳng vào giữa thân ôtô bốn chỗ đang cắt ngang qua giao lộ (không có đèn giao thông). Người phụ nữ ngã xuống đường, bị xây xát nhẹ được người dân hỗ trợ gọi người thân đến chăm sóc ngay sau đó. Ôtô bốn chỗ thì hư hỏng nặng phần hông xe do bị tông mạnh.
Phải chăng người phụ nữ không thấy ôtô đi ngang mặt? Hay do người đó thiếu quan sát? Hay do ngủ gật? Các câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi khi chứng kiến va chạm. Câu chuyện chỉ có thế và may mắn khi vụ việc không gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ cho các cá nhân liên quan.
Câu chuyện thứ hai xảy vào một ngày đầu tháng 12, bạn tôi có chia sẻ về một đoạn video ghi lại hình ảnh bạn học sinh điều khiển xe máy đi trên con đường hẹp có hai làn xe. Một ôtô đi cùng chiều phía trước đi chậm, có tín hiệu rẽ trái và đã đi gần vào lối rẽ. Bạn học sinh di chuyển với vận tốc mà tôi thấy khá nhanh nên đã không làm chủ tốc độ, phải lách xe về hướng trái của chiều di chuyển, lao lên vỉa hè và va chạm với đèn chiếu sáng.
Câu chuyện thứ ba là vào những ngày đầu năm Ất Tỵ, tôi lướt tin, đọc báo thì thấy một bài viết về tai nạn giao thông giữa xe môtô và xe đầu kéo. Video ghi lại cảnh xe đầu kéo xi nhan rẽ phải và chầm chậm tiến vào bãi xe. Trong khi đó, xe máy của bạn sinh viên lao nhanh tới và va chạm với xe đầu kéo dẫn đến tai nạn.
>> Ám ảnh từ váy, áo chống nắng của 'Ninja' đường phố
Trong cả ba câu chuyện, chúng ta đều thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do thiếu quan sát. Tuy nhiên, điều tôi lưu tâm hơn là nguyên nhân đằng sau của việc thiếu quan sát đó. Vì sao họ thiếu quan sát? Vì sao họ vẫn lao đi nhanh khi có phương tiện cắt ngang hướng di chuyển của và không có dấu hiệu giảm tốc hoặc nếu có thì đã quá trễ? Câu trả lời theo tôi là do tầm quan sát hạn chế. Vậy do dâu mà tầm quan sát hạn chế?
Ở câu chuyện thứ nhất, nguyên nhân có thể từ cái mũ che nắng trùm kín đầu chỉ chừa lại khe mắt mà người phụ nữ trung niên kia đội lên. Cộng thêm mũ bảo hiểm khiến vành nón che nắng vênh ra, cong lại, làm cô không quan sát được hai bên. Ở câu chuyện thứ hai và ba có lẽ là chiếc áo khoác hoodie với chiếc mũ lớn liền áo che kín đầu, đội thêm nón bảo hiểm thì cũng sẽ khiến người lái không quan sát được từ hai phía.
Điều này làm tôi liên tưởng đến những thắc mắc lúc nhỏ của mình về các chú ngựa. Ngựa khi ra đường đều được che mắt để chỉ nhìn thấy phía trước mà không nhìn thấy hai bên, giúp người cầm cương dễ dàng điều khiển chúng. Chiếc mũ chống nắng và chiếc áo hoodie (và các loại áo có mũ khác) cũng đang là những miếng che mắt của chúng ta.
Nghiêm trọng hơn, mốt của giới trẻ bây giờ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên là mặc áo trùm kín mũ, rồi mới đội nón bảo hiểm và phóng xe nhanh trên đường khi tan học. Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều trường hợp như thế và đây thật sự là điều tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tai nạn giao thông.
Tôi hy vọng với bài viết này, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu kỹ hơn mối nguy hiểm của các loại mũ chống nắng, các loại áo hoodie và các loại áo có mũ trùm đầu với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi nó gây hạn chế tầm nhìn, giảm khả năng nhận diện, tâm lý và hành vi giao thông của người mặc.
- 'Ôtô đi thẳng hàng để xe máy bớt khổ'
- Bị phạt vì đi xe máy lên vỉa hè nhưng đổ lỗi tại ôtô
- Tôi lái ôtô bất lực vì đám đông chen ngang
- 'Ý thức tài xế ôtô chẳng hơn gì người đi xe máy'
- Cần phạt nguội 164 xe máy vượt đèn đỏ trong hai phút ở Hà Nội
- Ba nhóm người ở ngã tư tắc cứng