"Tôi thuộc tuýp người ra quán cà phê hàng ngày. Tôi cũng ngồi hàng giờ để làm việc nhưng luôn chủ động với mỗi ly cà phê sẽ không ngồi quá hai giờ đồng hồ. Nhưng nhiều lần vào quán lạ nào đó, nhất là chuỗi đồ uống có thương hiệu, tôi lại thật sự ngán ngẩm khi thấy các bạn trẻ ra học bài, làm việc 'cắm rễ'. Các bạn chỉ gọi một món đồ uống rẻ tiền rồi ngồi lỳ nửa ngày, thậm chí lâu hơn, giành hết bàn ghế, trong khi những người khác đến sau cứ phải loay hoay tìm bàn để ngồi, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của quán".
Đó là chia sẻ của độc giả Traloi về xu hướng "cắm rễ" ở quán cà phê của nhiều người trẻ hiện nay. Khảo sát của VnExpress tại các quán có không gian yên tĩnh ở Hà Nội và TP HCM cho thấy, lượng khách bắt đầu đông từ trưa đến khuya. Nhiều quán mở xuyên đêm, trang bị đèn sáng, bàn học, ổ cắm sạc và phục vụ cả đồ ăn nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách ngồi lâu. Quán cà phê giờ không chỉ là nơi uống nước mà thành nơi làm việc tiện nghi, chi phí hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khách ngồi làm việc nhiều giờ nhưng chỉ gọi một ly nước cũng gây ra nhiều tranh cãi khi ảnh hưởng đến doanh thu của nhiều cửa hàng.
Nói về vấn đề này, bạn đọc Aspirationmore nêu quan điểm: "Nhóm chúng tôi cũng hay ngồi quán cà phê có máy lạnh để họp bàn công việc và thư giãn. Mỗi người thường gọi một ly cà phê, cộng thêm một ít bánh ngọt để ăn nhẹ, nhưng thường chúng tôi chỉ ở đó 2-3 tiếng là cùng, chứ không kéo dài thời gian lâu hơn. Nhóm chúng tôi ai cũng đồng thuận là khi ngồi ở quán cà phê (quán tương đối yên ắng, không nói chuyện ồn ào và không có trẻ nhỏ chạy nhảy, la hét) làm việc với nhau rất hiệu quả, nhưng cũng nên tế nhị và nghĩ cho quán chứ không nên ngồi 'cắm rễ'".
"Hồi còn ở trọ tại quận 10, TP HCM, cứ cuối tuần không về nhà ở ngoại thành thì tôi đều ra quán cà phê ngồi làm việc. Tôi cũng ngồi từ sáng đến trưa hoặc từ trưa đến chiều tối, nhưng hầu như đều gọi nhiều hơn một món đồ uống. Vẫn biết là quán cho ngồi bao lâu tùy ý, nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy ngại nếu như chỉ trả tiền một ly và ngồi lỳ cả ngày ở quán", độc giả Lê Thành Đô nói thêm.
>> Cà phê sập tiệm vì khách ngồi hàng giờ nhưng chỉ gọi ly 25.000 đồng
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, bạn đọc Hai có cái nhìn tích cực hơn về thói quen ngồi "cắm rễ" ở quán cà phê: "Học tập hay làm việc tại quán cà phê cũng góp phần giúp các bạn trẻ có thêm tương tác xã hội khi có cơ hội gặp và trò chuyện với những người bạn mới cùng chung sở thích. Nhất là trong thời buổi ai cũng chăm chăm cắm mặt vào thiết bị điện tử như hiện nay.
Thực tế, các quán có thể biến tấu mô hình thành dạng thư viện học tập. Môi trường quán cà phê ưu tiên cho việc học và làm việc tôi thấy cũng khá hay. Người kinh doanh có thể tính thêm phụ phí 3.000 - 5.000 đồng mỗi giờ kể từ giờ thứ hai trở đi để bù đắp chi phí. Hoặc quán có thể cho khách đăng ký gói thành viên để sử dụng thêm tiện ích như mượn sách, wifi tốc độ cao hoặc sử dụng thêm khu vực có ghế hoặc giường nghỉ... Một nơi có thể chia sẻ thêm kiến thức cũng như tạo sự kết nối cho xã hội như vậy cũng rất đáng để đầu tư".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Vanhungktdt gợi ý giải pháp cho mô hình quán cà phê cho khách ngồi lâu: "Bây giờ nhiều quán cà phê có mô hình dành cho khách tới ngồi làm việc, có khu vực thiết kế bàn dài. Với khu vực bàn lẻ, họ có thể làm bàn có diện tích nhỏ để tránh được việc khách ngồi lâu mà vẫn không ảnh hưởng đến lượng khách đến sau. Theo tôi, đây là một cách làm văn minh".
- Tôi thành khách ruột vì quán cà phê không đuổi người 'cắm rễ'
- 'Quyền làm ồn' ở quán cà phê
- 'Khách gọi ly cà phê 20.000 đồng nhưng ngồi từ sáng tới tối'
- 'Lạc quan tếu' khi mở quán cà phê
- Tỉnh mộng sau 10 năm nghỉ việc ngân hàng để mở quán cà phê
- Tôi lãi bốn nghìn đồng cho mỗi ly cà phê nguyên chất bán giá 14 nghìn