Trong bối cảnh kinh doanh quán cà phê ngày càng trở nên phổ biến, số lượng thương hiệu cà phê mới liên tục xuất hiện, nhiều người cũng muốn thử sức trong lĩnh vực này. Mở một quán cà phê của riêng mình để bước chân vào kinh doanh là ước mơ của không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, không ít trong số đó hoàn toàn không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh quán cà phê, dẫn tới nhiều thất bại cay đắng.
Độc giả Hồng Ánh chia sẻ kinh nghiệm từ chính trải nghiệm của bản thân: "Anh chị tôi kinh doanh trong lĩnh vực cà phê gần 20 năm. Tôi thỉnh thoảng vẫn tới chơi, nhìn ngó. Khi khách đông, tôi vẫn ra phụ thu tiền. Anh chị mở chuỗi cửa hàng kinh doanh trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố. Hiện, mỗi cửa hàng đều thuê người làm.
Nhưng bạn có biết, để đi đến ngày hôm nay, anh chị tôi đã trải qua những năm đầu phải tự quản lý các cửa hàng, tự trực tiếp làm rất nhiều việc. Và khi mở thêm một cửa hàng nào đó, anh chị cũng đều trực tiếp đứng quán vài tháng, quan sát khách hàng, nắm rõ doanh thu, rồi mới bàn giao lại cho nhân viên quản lý. Và mỗi ngày, anh chị đều đảo qua các cửa hàng ở thành phố, còn mỗi tuần đều đi tỉnh để giám sát hoạt động của toàn chuỗi.
Hiện, tôi đang định tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này. Và tôi cũng phải tới một cửa hàng của anh chị, trực tiếp làm việc với mọi người ở đó để nắm bắt thực tế. Sau đó, anh chị mới giúp tôi mở cửa hàng của riêng mình. Tôi cũng sẽ thuê người, giống như anh chị. Nhưng tôi vẫn phải có kinh nghiệm trước đã, như vậy mới quản lý mọi thứ được tốt.
Mặc dù tôi vẫn thường tới phụ giúp anh chị từ nhiều năm trước. Nhưng khi đó, tôi vẫn đến với tâm thế phụ việc vì thiếu người thôi, nên không chú tâm đến chuyện kinh doanh. Giờ thực sự bước vào làm, tôi phải học hỏi kinh nghiệm để tự lo cho chính mình, và thấy mọi thứ rất khác với trước kia. Có rất nhiều thứ tôi phải học hỏi, ghi nhớ, rút kinh nghiệm... Cho nên, lời khuyên của tôi dành cho những bạn định kinh doanh trong lĩnh vực này là nếu không có kinh nghiệm, bạn rất dễ mang tiền đi biếu không cho người khác".
>> 'Gửi tiết kiệm một tỷ đồng tốt hơn mua vàng, bán cà phê'
Cũng từng trực tiếp mở quán cà phê, bạn đọc Long Ussh chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi từng mở quán cà phê ở Hà Nội, nên có một số tư vấn cho các bạn như thế này:
Thứ nhất, để mở một quán cà phê, ngoài việc bạn phải có kiến thức về lĩnh vực này, thì cần phải có thời gian và tập trung vào nó ít nhất một năm đầu (vì để làm từ đầu thì doanh thu sẽ thấp, dẫn đến nếu chỉ thuê nhân viên và bán cà phê thì bạn xác định sẽ lỗ nặng và không thể làm theo cách mình mong muốn). Điều này có thể được khắc phục nếu bạn mua thương hiệu theo phương án 'nhượng quyền' nhưng giá sẽ đắt và không đủ vốn.
Thứ hai, việc thường xuyên không có mặt ở cửa hàng, giao phó hết cho nhân viên sẽ dẫn bạn đến các vấn đề khó kiểm soát như:
- Tiền thu về: không được minh bạch nếu bạn chưa có kinh nghiệm giám sát (nhân viên gian dối).
- Vấn đề nhân viên (quản lý, nhân viên phục vụ): lương phục vụ ở quán cà phê không cao, nên việc duy trì nhân viên làm lâu dài là khá khó khăn. Để có một quản lý tốt lại càng khó (vì có thì họ sẽ làm ở các hệ thống lớn để được nhận mức lương cao hơn cùng doanh số).
- Vấn đề chất lượng sản phẩm (một quán cà phê ngoài 'view đẹp' còn cần một yếu tố nữa là chất lượng sản phẩm và một số món chủ đạo để tạo điểm nhấn): nếu muốn doanh thu lớn, lợi nhuận đáp ứng được quy mô đầu tư thì bạn phải đảm bảo thương hiệu của mình sẽ chiếm lĩnh được thị trường tại khu vực đó, nếu không thì lợi nhuận chỉ lẹt đẹt tầm 15-30 triệu đồng một tháng (hoặc thấp hơn). Thậm chí, sau khi trừ lương trừ mặt bằng, thuế, với điện nước phát sinh thì bạn thu về không được bao nhiêu, có thể còn lỗ".
>> Sập tiệm cà phê sau sau hai năm gắng gượng với Covid-19
Nhấn mạnh tâm quan trọng của việc đánh giá rủi ro khi ít kinh nghiệm trong kinh doanh, độc giả Minh Hoang khẳng định: "Hầu hết các bạn mới kinh doanh lần đầu đều chỉ tính xuôi: chi bao nhiêu và hàng tháng thu về bao nhiêu tiền? Nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là nếu không phải chỉ chi từng đó và nếu rủi ro không thu được từng đó thì có giải pháp gì, có chịu nổi nhiệt không? Ví dụ: nhà tăng giá, không có nhân viên, nhân viên ăn chặn tiền, quán ế khách... thì bạn có xử lý được không?
Chính vì vậy, chúng ta cần các giải pháp giảm rủi ro ngay từ đầu nếu bạn ít kinh nghiệm. Ví dụ: bạn ở gần quán, có thời gian rảnh để quản lý, chủ nhà là người quen, nhân viên, quản lý là người thân... Chúc các bạn sẽ có một quyết định sáng suốt nhất".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.