Tôi là cựu học sinh chuyên Toán của THPT Chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương. Tôi cũng từng có hai năm làm việc tại một ngân hàng ở TP HCM. Sau đó, tôi về kinh doanh quán phê tại Buôn Ma Thuột từ năm 2014 tới nay. May mắn quán của tôi cũng là một trong những thương hiệu lớn và đông khách bậc nhất Buôn Ma Thuột.
Hiện nay, tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ đang muốn nghỉ việc công sở để kinh doanh quán cà phê. Với những kinh nghiệm của mình, tôi muốn chia sẻ vài quan điểm cá nhân về câu chuyện này để các bạn có thêm một góc nhìn mới trước khi quyết định dấn thân.
Thực tế, tự kinh doanh khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Cho dù bạn đã trải nghiệm đi làm trong nhiều năm, thậm chí đã leo lên vài bậc quản lý trong một công ty nào đó, thì tự kinh doanh cũng có những khác biệt rất to lớn so với đi làm thuê.
Nỗ lực chưa chắc sẽ được đền đáp
Khi đi làm thuê, bạn bỏ công sức ra (có thể hết sức hoặc không) tạo ra một thành quả (có thể không phải tốt lắm) nhưng bạn vẫn nhận được tiền lương, coi như cũng là một sự đền đáp (có thể xứng đáng hoặc không). Nhưng khi kinh doanh, nhiều khi bạn đã cố gắng hết sức mình, cống hiến toàn bộ thời gian, tâm trí, sức lực, nhưng số tiền bạn thu lại còn không được là con số 0 tròn trĩnh mà là con số âm ám ảnh.
Điều này sẽ làm bạn vô cùng nản chí, bắt đầu hoài nghi năng lực bản thân, mất phương hướng và không biết làm điều gì tiếp theo? Và với lợi nhuận âm này, nếu như bạn không có một nền tảng tài chính đủ mạnh, nó sẽ tạo ra một áp lực khủng khiếp, nhất là khi bạn còn gia đình nhỏ phải lo toan, còn cha mẹ già cần phụng dưỡng. Kể cả bạn chưa phải lo cơm ăn, áo mặc, thì cảm giác nỗ lực rất nhiều nhưng không được đền đáp, dù chỉ là chút ít nhỏ nhoi, sẽ khiến tâm trạng của bạn rất mệt mỏi.
Khi đi làm bạn có thể sẽ gặp phải một người sếp khó tính, một vài đồng nghiệp xấu tính. Nhưng về cơ bản những người này cũng không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của bạn và bạn cũng chẳng phải trả lương cho họ. Nhưng khi làm chủ, bạn sẽ phải trả lương cho nhân viên của mình, kỳ vọng của bạn tăng lên trong khi việc khiến một người làm đúng theo yêu cầu của mình chưa bao giờ là một điều dễ dàng.
Điều này còn trở nên khó khăn hơn khi bạn kinh doanh cà phê bởi phần lớn nhân viên của bạn đều không coi đó là một công việc lâu dài và sẵn sàng nghỉ bất kỳ lúc nào nếu như cảm thấy không thích làm nữa. Khi làm chủ bạn sẽ đối mặt với việc nói nhân viên một đằng, họ làm một nẻo, có người bị nhắc nhở thì thái độ, thậm chí nghỉ ngang. Bạn còn phải đối mặt với việc sắp vào ca làm nhưng nhân viên xin nghỉ vì đủ thứ lý do. Nói chung, bạn sẽ thấy nhân viên của mình rất khác với bạn khi bạn đi làm thuê.
>> Cà phê sập tiệm vì khách ngồi hàng giờ nhưng chỉ gọi ly 25.000 đồng
Bản thân không kỷ luật như tưởng tượng
Khi đi làm công sở, bạn nghĩ mình làm thuê cho người ta, nên không cần phải cống hiến hết sức làm gì. Bạn cũng nghĩ rằng khi ra kinh doanh, làm cho chính mình, bạn sẽ làm hết khả năng, cháy hết mình. Nhưng thực tế có khi không phải như vậy. Khi kinh doanh, không còn những deadlines, không còn người giám sát, nên bạn sẽ rất dễ thỏa hiệp với chính mình. Có những công việc quan trọng cần làm, có những công việc khó khăn cần giải quyết, nhưng bạn lại trì hoãn hết ngày này sang ngày khác. Đó là chưa kể những giai đoạn khó khăn, bế tắc, tâm trạng cực kỳ tồi tệ, deadlines những công việc quan trọng cần thực hiện cứ thế được gia hạn.
Cô đơn trong chính doanh nghiệp của mình
Khi đi làm công sở, bạn có đồng nghiệp, mặc dù chưa chắc có thể là những người bạn thực sự, nhưng dù gì thì bạn vẫn có cảm giác mình thuộc về một tập thể nào đó. Nhưng khi bạn làm chủ, nhất là khi làm chủ một mình, bạn sẽ cảm thấy vô cùng cô độc, phải một mình nhận hết những nỗi lo của doanh nghiệp, một mình "gánh team". Bạn sẽ phải làm quen dần với những buổi đi ăn một mình, cà phê một mình, lên kế hoạch một mình, triển khai một mình... Nỗi cô đơn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi doanh nghiệp của bạn rơi vào giai đoạn khó khăn.
Thành công hôm nay, còn ngày mai thì chưa chắc
Bạn mở quán cà phê, khách hàng đến nườm nượp, không phải chỉ đông một vài tháng mà thậm chí một vài năm. Lợi nhuận có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng và bạn thấy mình thật tài giỏi. Đúng là bạn giỏi, đưa ra những quyết định, chiến lược đúng đắn, nhưng đó là câu chuyện của quá khứ và hiện tại, còn tương lai thì chưa biết.
Hiện nay, sự cạnh tranh là vô cùng khắc nghiệt, quán cà phê mở liên lục. Với tâm lý muốn trải nghiệm cái mới, lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng xuống thấp hơn bao giờ hết. Trong khi đó, quán của bạn ngày càng cũ kỹ, sự quen thuộc giờ đã trở thành sự nhàm chán. Để duy trì thành công, bạn cần phải không ngừng đổi mới, nắm bắt xu thế. Chỉ cần bạn chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng, tự mãn, bạn sẽ thụt lùi và thành công sẽ dần rời xa.
Những phút thảnh thơi trở nên xa xỉ
Nếu như khi bạn đi làm thuê, tan làm là bạn sẽ thảnh thơi tận hưởng cuộc sống. Còn khi bạn bước vào con đường làm chủ, những phút thảnh thơi sẽ dần trở nên xa xỉ. Có thể một ngày bạn không phải làm một công việc cụ thể nào, nhưng tâm trí bạn sẽ luẩn quẩn với nỗi lo. Quán đông thì lo phục vụ không kịp, quán ế thì lo doanh thu đi xuống... Kỳ vọng trong bạn cũng là nguyên nhân khiến bạn khó lòng an yên. Khi bạn đạt doanh thu 7 triệu đồng một ngày, bạn sẽ lại mong tăng lên 7,5 triệu đồng, 8 triệu đồng...
Rồi còn rắc rối với nhân viên, khách hàng, hay những biến cố không biết từ đâu chui ra. Thế thì tự kinh doanh chúng ta sẽ được gì?
Toàn quyền định hướng, quyết định doanh nghiệp của bạn
Đây có lẽ là một trong những lý do chính khiến chúng ta quyết định nghỉ việc để ra làm riêng. Chúng ta muốn toàn quyền quyết định mọi thứ, muốn thể hiện bản thân, năng lực ở mức độ cao nhất. Có thể, khi đi làm thuê, chúng ta thấy ý kiến của mình rất hay ho nhưng vẫn bị sếp phản đối, năng lực mình tốt vậy mà tổ chức không trọng dụng... Còn khi tự kinh doanh, chúng ta có không gian để được làm những điều mình muốn, những thứ mình nghĩ.
Nhưng thật ra được toàn quyền quyết định cũng không phải vui như chúng ta nghĩ. Bạn sẽ phải khá mệt mỏi, cân nhắc, đắn đo đủ thứ trước khi quyết định bởi giờ đây, một quyết định sai, nhẹ thì mất vài triệu, nặng hơn thì vài chục triệu, nặng hơn nữa thì vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng. Nhắc nhở, phạt tiền hay nặng hơn là cho nhân viên thôi việc cũng không lấy gì làm vui vẻ. Rồi những khi bế tắc, mất phương hướng, chúng ta lại thỉnh thoảng có suy nghĩ: "Giá mà có ông sếp nào đó nói mình phải làm gì bây giờ thì cũng đỡ mệt".
Có cơ hội để hoàn thiện bản thân
Đây có lẽ là điều tôi thấy hay nhất khi tự kinh doanh. Nếu như khi đi làm thuê, chúng ta thường chỉ học tập, phát triển một mảng chuyên môn của mình, phải lên một vị trí thật cao mới có cơ hội trải nghiệm thêm nhiều mảng khác của một doanh nghiệp. Còn khi tự kinh doanh, dù quán của bạn có nhỏ cỡ nào thì cũng phải đối mặt với tất cả các mảng của nghiệp: marketing, sales, sản xuất, tài chính, nhân sự, R&D...
Rồi khi không đủ ngân sách hoặc không tìm được dịch vụ ưng ý, chúng ta sẽ được học và làm thêm đủ thứ: từ decor, quay, chụp, chạy quảng cáo, media... đến những sửa chữa nhỏ trong quán. Bạn cũng phải học thêm về chữ "nhẫn" (không phải nhẫn với cấp trên mà là với khách hàng, nhân viên). Chúng ta cũng được rèn luyện tính kỷ luật với bản thân khi không còn ai thúc ép, giám sát. Ngoài ra, bạn còn học được cách tự động viên bản thân khi gặp khó khăn hay những khi mất phương hướng; học cách kiểm soát kỳ vọng để tâm bình an hơn cũng như không tăng trưởng nóng vội... Nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, mỗi người cần phải có đủ tính kỷ luật, nỗ lực và tinh thần học hỏi cái mới.
Có cơ hội nâng cao thu nhập không giới hạn
"Phi thương bất phú", tự kinh doanh có lẽ là con đường làm giàu nhanh nhất. Chúng ta có thể nâng cao thu nhập một cách không giới hạn. Thứ duy nhất kìm hãm bạn chỉ là năng lực của bản thân mà thôi. Nhưng khi kinh doanh, bạn sẽ dễ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" ở cấp độ cá nhân – loay hoay với một thu nhập không thấp nhưng cũng chẳng thể lên cao (những quán kinh doanh khá tốt, tồn tại khá lâu).
Các bạn có bằng cấp tốt, công việc hiện tại tốt nên cân nhắc về điều này. Ví dụ, khi bạn bè cùng trang lứa đi làm với mức lương 15 triệu đồng một tháng, còn bạn kinh doanh lợi nhuận mỗi tháng được 50 triệu đồng. 10 năm sau, chúng ta vẫn kiếm được ngần ấy, nhưng những người bạn cùng xuất phát điểm với chúng ta nay đã lên những cấp quản lý cao hơn, thu nhập có thể đã tới chín con số. Thể nên, một khi đã quyết định nghỉ một công việc tốt để tự kinh doanh, hãy cố gắng cháy hết mình, không ngừng tiến lên, vậy mới đáng.
Bài viết này không nhằm mục đích khuyên các bạn không tự ra kinh doanh riêng. Tôi chỉ muốn chỉ ra những khóc khuất mà ít người biết, để các bạn chuẩn bị thật tốt nguồn vốn, kiến thức, kỹ năng và tâm lý trước khi dấn thân vào con đường đầy chông gai này. Và một khi đã bỏ một công việc tốt để tự kinh doanh, hãy cháy hết mình chứ đừng bỏ cuộc giữa chừng khi chưa đạt tới thành công.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.