'Cắm rễ' tại quán cà phê là tình trạng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Sự phổ biến của các quán cà phê cùng những tiến bộ trong công nghệ tạo điều kiện để học tập và làm việc từ xa đã khiến số lượng người thường xuyên tìm đến quán cà phê để học tập, làm việc tăng cao. Tuy nhiên, nhiều khách hàng trẻ tuổi ngồi hàng giờ đồng hồ nhưng chỉ gọi đồ uống giá rẻ khiến không ít chủ quán cảm thấy khó chịu.
Đồng cảm với những bức xúc của người kinh doanh, độc giả Trung Le chia sẻ: "Thỉnh thoảng tôi cũng ra quán cà phê ngồi làm việc nhưng quan điểm của tôi là mỗi khi ngồi lâu trên ba tiếng đồng hồ, tôi sẽ luôn gọi thêm món. Thật khó hiểu với những người chỉ gọi ly cà phê 20.000 đồng mà ngồi từ sáng sớm đến chiều tối. Thậm chí, có những người còn mang theo cả laptop chơi game hoặc thiết kế đồ họa ngồi lỳ cả ngày, dùng điện, dùng wifi miễn phí của quán. Tính ra, ly cà phê mà họ gọi còn không đủ trả tiền điện cho quán nữa".
Đồng quan điểm, bạn đọc Ph Binh không đồng tình với hành động trên: "Nhiều người rất vô ý. Như tôi, khi bận việc, phải ngồi hơn hai giờ ở quán cà phê, tôi đều gọi thêm nước hoặc đồ ăn nhẹ (nếu quán có bán kèm). Chứ ngồi chiếm dụng không gian và sự phục vụ của quán mà không chi trả thêm cho chủ quán thì người kinh doanh chắc phải dẹp tiệm sớm".
"Ở Việt Nam, tôi thấy tình trạng này cũng rất phổ biến. Hồi còn sinh viên, tôi cũng có thói quen gọi một món đồ uống rồi cứ thế ngồi lỳ từ sáng tới đến khi quán đóng cửa. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình lẽ ra không nên làm vậy. Giờ mỗi khi tới quán cà phê ngồi làm việc từ sáng tới tối, tôi luôn chủ động gọi ít nhất ba món cho quán", độc giả Dhome nói thêm.
Cho rằng việc gọi thêm đồ ăn thức uống khi ngồi lâu ở quán cà phê là điều nên làm, bạn đọc Shallnot bình luận: "Thời đại học, tôi cũng hay ngồi 3-4 tiếng trong quán cà phê. Nhưng mỗi lần như vậy, vì thấy ngại nên tôi toàn gọi hai ly nước hoặc thêm bánh trái để bù vào. Khi thấy quán đông khách, bắt đầu ồn ào, tôi lập tức cắp túi ra về, nhường chỗ cho người khác. Hôm nào đem laptop theo tôi cũng hạn chế dùng điện của quán. Thay vào đó, tôi dùng pin đã sạch đầy trên laptop. Khi không đem laptop để làm việc, tôi thậm chí còn không cần truy cập wifi của quán".
>> Suất bún chả 35.000 đồng có hai miếng chả đắt hay rẻ?
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Tung lại có cái nhìn khác về câu chuyện này: "Hình như nhiều người không hiểu khái niệm 'thuận mua vừa bán'? Thử hỏi chủ quán có quy định khách được ngồi bao nhiêu tiếng không, nếu có quy định thì tại sao không đặt biển thông báo hẳn hoi để người mua cân nhắc lựa chọn sử dụng dịch vụ tại đây hay đi quán khác? Tại sao lại mập mờ các điều kiện sử dụng dịch vụ và giá tiền sử dụng dịch vụ đó để rồi lại chỉ trích người ngồi lâu trong quán của mình?".
Có cùng suy nghĩ về hành động "cắm rễ" tại quán cà phê, bạn đọc Duy Pham phân tích: "Hiện tại, một số thương hiệu cà phê lớn cũng đã thay đổi thiết kế chỗ ngồi để phù hợp với hoàn cảnh mới. Trước kia nhiều quán dùng ghế nệm thoải mái nhưng nay đã thay bằng ghế gỗ và chỗ ngồi chung với người khác. Điều đó khiến những người ngồi lâu sẽ cảm thấy không thoải mái. Đồng thời, họ cũng sắp xếp bàn ghế không thuận tiện cho những ai muốn kéo nhiều bàn ghế lại vói nhau, giới hạn ổ cắm điện, lượt truy cập wifi... Đặc biệt, người kinh doanh cũng có thể từ chối phục vụ những ai làm những điều không phù hợp vói quy định của quán. Theo tôi đó là những biện pháp phù hợp để hạn chế tình trạng khách gọi một ly nước nhưng ngồi cả ngày".
Ủng hộ việc quán thay đổi thiết kế, quy định để khách không ngồi lâu, độc giả Dao Ngoc Hai gợi ý giải pháp: "Quán nhỏ có thể sử dụng bàn ghế không thực sự thoải mái cho người ngồi lâu (ghế có thể thoải mái nhưng bàn thì bé và ngược lại, hoặc bàn có thể to hơn nhưng ghế gỗ, thẳng lưng...), bố trí ít ổ cắm điện để người dùng thấy bất tiện. Quán lớn có thể phân chia khu vực dành cho người chỉ uống cà phê bình thường, một khu vực khác có thể ngồi làm việc nhưng tiện nghi cũng không quá thoải mái (có ổ điện, bàn đủ để kê laptop và khách có thể gọi một món đồ uống, nhưng bù lại thiết ghế ghế ngồi sẽ không thoải mái, mật độ bàn dày hơn để hạn chế sự riêng tư, giá bán đồ uống cũng cao hơn vì tính cả phí phụ thu...)".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.