Hãng Maxar hôm qua công bố ảnh vệ tinh chụp hôm 1/11 cho thấy quân đội Trung Quốc xây dựng các mục tiêu mô phỏng tàu sân bay Mỹ và ít nhất hai khu trục hạm lớp Arleigh Burke ở sa mạc Taklamakan tại huyện Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương. Địa điểm này nằm gần nơi Trung Quốc từng thử nghiệm phiên bản đầu tiên của tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D vào năm 2013.
Chuyên gia quân sự H.I. Sutton và Sam LaGrone nhận định thao trường mới "cho thấy Trung Quốc tiếp tục tập trung vào năng lực chống tàu sân bay, trong đó chú trọng đến các chiến hạm của hải quân Mỹ".
![Mục tiêu mô phỏng tàu sân bay và chiến hạm tại thao trường ở Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc ngày 1/11. Ảnh: Maxar.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/08/5563187178137126b-Trung-Quoc-5803-1636345215.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0YK8ip_gbsfLSgq4GHwVhA)
Mục tiêu mô phỏng tàu sân bay và chiến hạm tại thao trường ở Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc ngày 1/11. Ảnh: Maxar.
Ảnh vệ tinh cho thấy mục tiêu mô phỏng tàu sân bay dường như là cấu trúc phẳng không có tháp chỉ huy, thang nâng máy bay, các loại vũ khí hoặc chi tiết khác. Trên ảnh radar do Capella Space cung cấp, mục tiêu tàu sân bay nổi bật trên nền sa mạc xung quanh và không khác hình ảnh mục tiêu trong hệ thống ngắm bắn.
Các mô hình chiến hạm còn lại được cho là mô phỏng khu trục hạm lớp Arleigh Burke với thiết kế phức tạp hơn. Chúng có những cọc thẳng có thể là nơi lắp thiết bị đo đạc hoặc bộ phản xạ radar mô phỏng cấu trúc thượng tầng của chiến hạm.
Thao trường còn có một đường ray rộng 6 m cùng một mục tiêu di động dài khoảng 75 m, được cho là để phục vụ hoạt động tìm kiếm, xác định chiến hạm di chuyển trên biển.
"Không có dấu vết va chạm của tên lửa xung quanh các mô hình tàu chiến", theo báo cáo của AllSource Analysis. "Các mô hình này có độ chi tiết cao, gồm nhiều cảm biến bên trên và xung quanh, cho thấy khu vực này có thể được thiết kế để sử dụng nhiều lần".
Ảnh vệ tinh cho thấy mục tiêu mô phỏng tàu sân bay tại thao trường được xây dựng trong tháng 3-4/2019, sau đó được tháo dỡ phần lớn hồi tháng 12/2019. Cơ sở này hoạt động trở lại vào cuối tháng 9 và hoàn thành phần lớn hạng mục không lâu sau đó.
![Mục tiêu di động tại thao trường ở Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc tháng 7/2020 và ngày 20/10. Ảnh: Maxar.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/08/5563187178137126c-Trung-Quoc-8511-1636345215.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KW95dsGqIHCBGW_49H4tvg)
Mục tiêu di động tại thao trường ở Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc tháng 7/2020 và ngày 20/10. Ảnh: Maxar.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc dựng mục tiêu mô phỏng tàu sân bay trên sa mạc. Trung Quốc năm 2003 xây dựng một mục tiêu tàu sân bay bằng bê tông tại bãi thử tên lửa Shuangchengzi, khu tự trị Nội Mông. Mục tiêu này bị bắn trúng nhiều lần và thường xuyên được tu sửa.
Quân đội Trung Quốc đang triển khai một số chương trình tên lửa đạn đạo diệt hạm, trong đó DF-21D có tầm bắn hơn 1.400 km và có khả năng bắn trúng mục tiêu di động. Tên lửa DF-26 có tầm bắn hơn 3.700 km, sử dụng được đầu đạn hạt nhân và thông thường.
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc có thể mang biến thể DF-26 với tên gọi CH-AS-X-13, được cho là đủ lớn để gắn đầu đạn siêu vượt âm. Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc có thể trang bị tên lửa đạn đạo diệt hạm cho Type-055, khu trục hạm lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 13.000 tấn.
Nguyễn Tiến (Theo USNI)