Hệ thống thu phí tự động (AFC) của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chỉ hỗ trợ ba loại vé cơ bản, gồm: vé lượt, vé ngày (một và ba ngày) cùng vé tích tiền (nạp tiền rồi trừ dần khi đi, hết phải nạp thêm). Đây là các loại vé không định danh, nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, khuyết tật... Việc mua vé, nạp tiền chỉ thực hiện được ở máy bán vé hoặc nhà ga, chưa hỗ trợ các hình thức như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng... AFC cũng chưa được thiết kế để liên thông các loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt, BRT.
Đánh giá về những hạn chế này, độc giả Trungtringuyentrung cho rằng: "Cách đây đúng 10 năm, tôi qua Dubai làm việc (tháng 10/2012). Một trong những việc đầu tiên của tôi là tham quan hệ thống Metro của họ. Tôi vẫn nhớ mãi lúc đi từ giữa tàu đến đầu tàu để kiếm buồng lái, tôi ngạc nhiên vì tàu không có buồng lái. Sau này, tôi tìm hiểu thì mới biết mọi thứ vận hành hoàn toàn tự động, và trung tâm điều khiển đặt ở chỗ khác (tức không có lái tàu, không có nhân viên soát vé trên tàu...).
Còn hệ thống bán vé của họ có cả máy tự động lẫn thu ngân. Thẻ đi Metro được tích hợp chip, hành khách có thể nạp tiền trước rồi sử dụng dần, hoặc dùng theo chặng để nạp tiền. Thẻ này khi sử dụng xong, ra khỏi metro có thể dùng quẹt cho xe buýt cũng được, thậm chí được miễn phí chặng xe buýt đó.
Hiện tại, họ không còn tiếp tục dùng loại Metro này để kết nối với Abu Dhabi (thủ đô UAE) nữa, mặc dù đã làm sẵn hệ thống nhà ga, và đường ray. Nguyên nhân là bởi họ cho rằng loại hình giao thông này đã không còn phù hợp. Thay vào đó, họ đang lắp đặt loại tàu siêu tốc với tốc độ nhanh gấp nhiều lần Metro, phù hợp hơn với bối cảnh giao thông công cộng trong tương lai.
Tất nhiên, tôi không có ý so sánh giữa nước ta và nước ngoài. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến tầm nhìn của những nhà quản lý khi thiết kế và xây dựng loại hình giao thông công cộng này ở Việt Nam. Đến hiện tại, với hạ tầng lạc hậu như thế này, tôi thực sự vẫn chưa hình dung được tuyến Metro này sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào? Và liệu 10 năm nữa, không biết nó sẽ trở thành gì tương lai? Liệu chúng ta sẽ còn phải tốn bao nhiêu thời gian, chi phí, và công sức để kết nối, vận hành loại hình phương tiện này?".
>> Nên dùng thẻ từ hay mã QR để thanh toán vé metro?
Lý giải về những hạn chế của hệ thống thu phí, chủ đầu tư cho biết hệ thống AFC được tư vấn dự án rà soát thiết kế và lập hồ sơ mời thầu cách đây 12 năm - khi các cơ chế, chính sách trong nước chưa đầy đủ. Phía tư vấn cũng chưa hiểu hết các chính sách giá vé tại thành phố, nên đề xuất ba loại vé cơ bản. Các hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử... hiện phổ biến, nhưng 12 năm trước lại không thông dụng, nhất là với giao thông công cộng. Để khắc phục những bất cập trên, chủ đầu tư đề xuất chính quyền thành phố triển khai hệ thống thu phí mới với kinh phí 159 tỷ đồng.
Nhấn mạnh những thiệt hại về kinh tế vì thiếu tầm nhìn xa, chậm cập nhật xu hướng khi xây dựng tuyến Metro số 1, bạn đọc Blknemesis98 nêu rõ: "Chỉ cần chậm một năm thôi thì bất cứ thứ gì cũng có thể thay đổi, từ thói quen của con người hay công nghệ. Cho nên, một khi đã tốn quá nhiều thời gian để xây dựng cho một tuyến đường Metro thì chuyện lỗi thời hay lạc hậu là điều dễ hiểu. Điều cần nhất ở nhà đầu tư là phải có tầm nhìn nắm bắt xu hướng thế giới trước hàng chục năm và liên tục có những thay đổi, cập nhật kịp thời, tùy theo từng thời điểm.
Kể từ khi xe điện được đưa vào vận hành ở Nhật Bản năm 1895 cho tới nay, ngành xe điện của họ luôn phải thay đổi để bắt kịp xu thế phát triển, kèm theo đáp ứng thói quen của hành khách. Hiện nay, cho dù cho việc sử dụng thẻ IC (nạp tiền trước) hay ứng dụng điện thoại thông minh khi ra vào cổng soát vé đã thông dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng trên thực tế, nó là kết quả của sự cập nhật công nghệ sau nhiều năm vận hành chứ không phải là đã có từ đầu, nhất là những nhà ga được xây dựng 30, 40 năm trước.
Các doanh nghiệp Nhật đã có chuẩn bị cho sự thay đổi từ đầu. Ví dụ, họ có bốn máy bán vé tự động thì họ sẽ thay hai máy có chức năng bán vé tháng, thanh toán bằng thẻ tín dụng, tùy nhu cầu của hành khách để thay thế dễ dàng cho hai máy bán vé thông thường. Máy bán vé thông thường có thể mua vé giấy và vé IC, hay nạp tiền thẻ IC bằng tiền mặt...
Trở lại chuyện của Metro số 1. Khi vận hành, theo tôi, một mặt chủ đầu tư cần đảm bảo điều kiện tiên tiến và tốt nhất cho hệ thống, nhưng mặt khác cũng phải chuẩn bị để liên tục cập nhật và thay đổi, tùy theo nhu cầu của hành khách và sự phát triển của xã hội sau khi vận hành".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.