Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 20 km, khởi công năm 2012, dự kiến chạy thương mại vào quý 4 năm tới. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho việc vận hành, từ năm 2010 hệ thống thu phí tự động (AFC) đã được lên ý tưởng, lập hồ sơ mời thầu. Sau 5 năm, thiết kế chi tiết được hoàn thiện. Hệ thống này chỉ hỗ trợ ba loại vé cơ bản, gồm: vé lượt, vé ngày (một và ba ngày) cùng vé tích tiền (nạp tiền rồi trừ dần khi đi, hết phải nạp thêm). Đây là các loại vé không định danh, nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, khuyết tật...
Việc mua vé, nạp tiền chỉ thực hiện được ở máy bán vé hoặc nhà ga, chưa hỗ trợ các hình thức như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng... AFC cũng chưa được thiết kế để liên thông các loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt, BRT.
Lý giải về những hạn chế này, chủ đầu tư cho biết hệ thống AFC được tư vấn dự án rà soát thiết kế và lập hồ sơ mời thầu cách đây 12 năm - khi các cơ chế, chính sách trong nước chưa đầy đủ. Phía tư vấn cũng chưa hiểu hết các chính sách giá vé tại thành phố, nên đề xuất ba loại vé cơ bản.
MAUR cũng cho biết các hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử... hiện phổ biến, nhưng 12 năm trước lại không thông dụng, nhất là với giao thông công cộng. Thời điểm đó, nhiều nước có đường sắt đô thị phát triển cũng chưa phổ biến các hình thức thanh toán này nên nhà thầu thiếu cơ sở để thiết kế cho Metro Số 1.
Để khắc phục những bất cập trên, chủ đầu tư đề xuất chính quyền thành phố triển khai hệ thống thu phí mới với kinh phí 159 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong hai năm và khi hoàn thành sẽ hoạt động độc lập, chạy song song hệ thống hiện hữu.
Theo một lãnh đạo MAUR, công nghệ thu phí bổ sung sẽ khắc phục các hạn chế của hệ thống hiện hữu. Khách đi metro có thể thanh toán qua mã QR hoặc điện thoại thông minh, thay thế vé đi tàu. Các tính năng khác cũng được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu về liên thông, kết nối hệ thống thẻ vé chung của các loại hình giao thông công cộng khác ở thành phố...
TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, cho rằng 10 năm qua, công nghệ trong nước phát triển rất nhanh. Do vậy, khi lên ý tưởng thiết kế hệ thống AFC cho Metro Số 1 từ hơn một thập kỷ trước, đơn vị tư vấn chưa lường hết bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu. Chưa kể, công nghệ thẻ vé cho các dự án metro ở TP HCM và Hà Nội cũng khác nhau, nên giai đoạn thiết kế sẽ khó tính toán trước các tính năng để phục vụ việc liên thông sau này.
Ông Bình dẫn chứng tại Nhật Bản, hệ thống thu phí ở các tuyến đường sắt đô thị trước đây cũng làm theo từng giai đoạn. Sau đó, từ thực tế đơn vị quản lý mới nâng cấp, mở rộng tính năng để đáp ứng nhu cầu, phù hợp hình thức mua vé, thanh toán hiện đại cho khách...
Theo chuyên gia này, vấn đề kỹ thuật khi nâng cấp, bổ sung tính năng cho hệ thống AFC tuyến Metro Số 1 không khó, mà quan trọng là cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý. Chẳng hạn khi liên thông thẻ vé metro và xe buýt, tỷ lệ chia doanh thu, chi phí vận hành ra sao cần xây dựng cụ thể vì mỗi loại hình có đơn vị quản lý khác nhau.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), nói các tồn tại ở hệ thống thu phí có thể gây một số hạn chế cho hành khách. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của khách. Bởi khi có nhu cầu họ vẫn tạm chấp nhận một số hạn chế của dịch vụ.
"Đơn cử như xe buýt ở TP HCM chưa có hình thức thanh toán điện tử, nhưng khách vẫn mua vé lượt, vé tháng để đi lại mỗi ngày", ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng thành phố cần sớm nâng cấp hệ thống thu phí cho Metro Số 1, để đa dạng các loại thẻ vé, hình thức thanh toán... giúp dự án vận hành hiệu quả và thuận tiện cho khách.
Gia Minh