Trong bài viết 'Tội' cho người mua một mẫu đất giá 5,5 tỷ của gia đình tôi, một độc giả kể câu chuyện khi thấy đất sốt người bố đã chớp thời cơ bán một mẫu đất trồng cà phê ở Di Linh (Lâm Đồng) với giá cao rồi chia tiền cho các con mua nhà. Khi thị trường đóng băng, người mua muốn bán với giá 4 tỷ nhưng không được.
Bài chia sẻ nhận được nhiều quan tâm bình luận của độc giả VnExpress. Độc giả Huong Han đánh giá người mua đã ăn trái đắng:
"Mua một mẫu đất trồng cà phê ở Di Linh với 5,5 tỷ thì người mua đã ăn trái đắng. Nếu đất nằm ở Lâm Hà, hướng gần Đà Lạt với giá đó thì còn chấp nhận được, còn ở Di Linh mà bán được với giá này thì người bán phải khéo ăn nói lắm, nên mới rút ruột được khách sộp xuống tiền.
Đất ở Di Linh không thuận đường, kể cả đến Bảo Lộc hay lên Đà Lạt vì nó nằm ở giữa chừng, thời tiết cũng không được mát mẻ cho lắm. Khoảng đầu năm 2020, tôi lên khu vực đó, thấy họ bán đất giá rẻ bèo. Nhưng khi thấy khung đường không thuận lợi, tôi đã đi luôn mà không quay lại đó để xem đất nữa.
Tôi đã chọn mua đất ở Nam Ban, Lâm Hà, chỉ cách Đà Lạt 25 km và cách sân bay Liên Khương 19 km. Nơi đây rất thuận tiện giao thông, giá lại bằng đất Di Linh nhà tác giả đã bán".
Cùng trong tâm thế bán khi đất sốt để được giá cao, độc giả có nickname taphn06 chia sẻ: "Đợt sốt đất nhà tôi cũng bán được với giá 1,5 tỷ đồng một sào. Môi giới sang tay cho người khác với giá chắc cũng trên 2 tỷ đồng. Họ mua vài năm rồi nhưng tôi thấy không xây cất gì cả mà lâu lâu xuống thăm chừng mà thôi. Đất còn lại, nhà tôi vẫn canh tác trồng trọt bình thường".
Giữa tháng 4, các loại nhà đất tích trữ chờ tăng giá chịu cảnh ế ẩm, hạ giá 30-50%,nhiều chủ tài sản đang phải cắt lỗ để thoát hàng do ngộp tài chính. Ở phía ngược lại, một số nông dân đã nắm bắt cơ hội, bán khi đất sốt để "đổi đời". Độc giả truongsonpham123456:
"Liên tục trong gần bốn năm từ 2019 tới giữa năm 2022 nhờ sốt đất cho nên nhiều bà con nông dân có cơ hội đổi đời. Lớp lớp các nhà đầu tư đua nhau mua đất sào để phân lô bán nền.
Nhiều mảnh đất từ 1.000 m2 trở lên trước đây ở chỗ "chó ăn đá gà ăn sỏi" hoặc "khỉ ho cò gáy" giá trị thực chỉ vài chục triệu đồng bỗng chốc có giá từ nửa tỷ đồng cho tới hàng tỷ đồng. Nhiều lúc không có để mà mua.
Bây giờ thời đã khác, đất hạ nhiệt không phân lô bán nền được nên lại trở về với cái giá trị thực như vốn dĩ. Nhiều khu "đất vàng" trước đây giờ cỏ mọc um tùm là nơi trú ngụ của động vật hoang dã, giá hạ cả 50% mà chả có ai mua cả. Cho nên thời cơ đến ta phải chớp ngay thôi".
Những người đang ngậm trái đắng là giới đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính quá đà. Độc giả thanhtra.lawyer phân tích:
"Giới đầu cơ đa phần dùng đòn bẩy tài chính, thế chấp tài sản vay tiền mua đất. Ví dụ vốn bỏ ra 1,5 tỷ đồng, vay 4 tỷ, lãi suất 12%/năm thì mỗi tháng 40 triệu tiền lãi, một năm 480 triệu tiền lãi, hai năm là gần một tỷ đồng tiền lãi, chưa kể tiền gốc. Đó là vay dài hạn.
Nếu vay ngắn hạn, ví dụ một năm, mà khi đến kỳ chưa thanh toán thì chịu thêm lãi suất quá hạn 150% lãi suất trong hạn nữa là mỗi năm 720 triệu tiền lãi quá hạn, cộng thêm 480 triệu tiền lãi trong hạn thì mỗi năm trả 1,2 tỷ tiền lãi. Nếu không trả, ngân hàng sẽ kiện và phát mãi tài sản, số tiền vốn 1,5 tỷ trở thành tiền lãi phải trả.
Thế mới thấy, những người nông dân chớp thời cơ rất giỏi".
Hữu Nghị tổng hợp
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi ý kiến tại đây.