Độc giả David Tèo kể về trường hợp chủ nhà giảm giá từ 5,3 tỷ xuống còn 4,8 tỷ vẫn không bán được:
"Khu nhà tôi ở khu vực TP Thủ Đức, cơ sở hạ tầng khá đẹp, đường nội bộ 6 m, ôtô đậu trước nhà, đối diện công viên. Mấy năm trước nhà nào kêu bán chỉ trong vòng một tuần hoặc nửa tháng là có người mua. Còn bây giờ cạnh nhà tôi có một căn diện tích 88 m2 kêu giá 5,3 tỷ hồi tháng 2, đến nay hạ giá còn 4,8 tỷ vẫn không bán được.
Hôm qua cô chủ nhà nói với tôi: 'Chỉ có một người trả 4,5 tỷ, em đang nợ ngân hàng khá nhiều, chắc phải bán thôi anh ạ' ".
Theo ghi nhận của VnExpress, thanh khoản đất nền trên cả thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) lẫn thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) đều kém trong quý đầu năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp chuyên bán đất nền dự án tại Bình Dương cho hay, quý I công ty chỉ bán được một vài sản phẩm mới trong rổ hàng sơ cấp, còn lại là nền đất khách hàng ký gửi bán thứ cấp nhưng khá ế ẩm. Thanh khoản đất nền dự án của doanh nghiệp suốt 3 tháng qua giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, trong quý I, đất nền dự án các tỉnh kế cận TP HCM hầu như không bán được hàng, thị trường trầm lắng kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bạn đọc alibaD kể một trường hợp khác, nhà sang tay qua nhiều cò khiến giá đội lên nhiều lần: "Tôi ở Gò Vấp, có một ngôi nhà cấp bốt trong con hẻm cụt xe máy, hai xẹt phía sau nhà tôi có giá tăng phi mã từ vài năm trước do 'cò' sang tay nhau. Lúc chủ nhà bán với giá 3 tỷ, bây giờ họ kêu giá gần 5 tỷ.
Có một vấn đề là nhà đã sửa lại từ gác gỗ ọp ẹp thành đúc tấm hoành tráng (nhưng tôi nhìn thi công mà thấy hãi, họ cứ gác đà lên tường tường gạch cũ 20 năm rồi mà đổ tấm giả, không gia cố thêm cột, thậm chí không có đà giằng".
Một báo cáo thị trường đất nền TP HCM và vùng phụ cận cho biết, trong quý I đất nền dự án các tỉnh phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thanh khoản giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức cầu chung của thị trường đất nền xuống mức cực thấp, chỉ bằng 6% so với cùng kỳ. Một số độc giả chỉ ra nguyên nhân:
"Mấy năm nay thị trường bất động sản gồm đất và nhà liền thổ là sân chơi của giới đầu tư, đầu cơ.. mua đi bán lại kiếm lời với đủ các chiêu trò thổi giá hoạt đông công khai chứ không phải của người có nhu cầu thực.
Hiện nay BĐS gãy sóng, giới đầu cơ đầu tư nghỉ hết thì thị trường chẳng nằm yên. Vay mua BĐS bây giờ có khi ba năm sau không trả nổi lãi và gốc, không khéo thì mất luôn cái nhà". ( laicuongctbd)
"Sự trầm lắng trên thực tế còn dự báo là sẽ kéo dài do khó khăn cộng hưởng từ nhiều yếu tố trong đời sống nên dân dần thắt chặt chi tiêu và ưu tiên cho những vấn để thiết yếu hàng ngày với mọi dự báo đều thiếu sự khả quan.
Mặt khác, BĐS cho phân khúc đầu tư càng khó do chủ yếu người trong nghề tung hứng với nhau và khá nhiều cũng đang ngộp do tài chính hoặc ôm hàng giá cao, còn người mua để ở nếu có tiền thì cũng đang dò đáy trong tương lai gần hoặc tìm cơ hội các chủ nhà cần bán gấp sẽ dễ thương lượng hợp lý hơn". (Kiên Phạm Thành)
Theo một đánh giá, đặc thù của phân khúc đất nền là đối tượng mua để đầu tư, tích lũy tài sản chứ không nhắm đến mục đích sử dụng ngay. Vì vậy đất nền thuộc nhóm bất động sản không được ưu tiên trong giai đoạn thị trường đóng băng như hiện nay. Độc giả nguyenktt nói:
"Phân khúc nhà ở bình dân trong khu dân cư hiện hữu có giao dịch chút ít, còn giao dịch đất dự án, nhà ở cao cấp, biệt thự, shophouse, office house, condotel... gần như đóng băng. Phân khúc đất nông nghiệp phân lô, nghỉ dưỡng, view hồ, view sông, homestay... chắc đóng băng dài hạn, ai kẹt rất khó thoát, thời gian kẹt tính bằng thập kỷ.
Đất sốt khiến tâm hồn con người ta bay bổng, muốn đầu tư theo trường phái lãng mạn, lướt sóng. Bị kẹp rồi mới thấy đau".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.