Tôi là một người làm kinh doanh, gần đây tình hình bán hàng có doanh thu không tốt nên tôi gặp phải vấn đề tài chính, cần tiền để trả nợ cho ngân hàng. Để xoay tiền trả nợ, tôi quyết định bán một mảnh đất của mình với giá khoảng 2,5 tỷ đồng.
Tôi đã đăng tin bán đất trên một số trang web, đồng thời thông tin cho một số môi giới ở địa phương. Sau vài ngày, tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ những người quan tâm đến mảnh đất của tôi.
Có một người mua là họ hàng xa bên vợ của tôi, cũng dân kinh doanh nên tôi tin tưởng anh ta sẽ đủ tiềm lực tài chính mua mảnh đất. Vì thế tôi đã từ chối lịch hẹn với tất cả những người muốn mua và nói với cò là tôi đã bán được mảnh đất rồi.
Lần đi xem đầu tiên, miếng đất của tôi vuông vức, không có gì phải chê nhưng viện lý do thị trường giao dịch đất đai đang ảm đạm, người mua ít nên người này muốn tôi giảm giá thêm, 2,5 tỷ đồng thời điểm này là quá đắt. Nghĩ chỗ người quen, lại đang cần tiền trả nợ nên tôi đồng ý giảm 100 triệu đồng, anh ta xin thời gian suy nghĩ thêm và hẹn trả lời sau 3 ngày.
Tôi rất hy vọng mảnh đất sẽ bán được với giá này. Đến ngày thứ hai,người mua đòi giảm giá thêm, về mức dưới 2,2 tỷ thì mới mua. Không hiểu thông tin tôi cần tiền gấp để trả nợ từ đâu ra mà anh ấy bỗng dưng có tâm thế chiếu trên, nói rằng tôi đang nợ nhiều, lãi suất ngân hàng đang cao, nếu không có tiền mặt trả nợ, dây dưa thêm vài tháng thì tiền lãi cũng bằng tiền bớt.
Tôi thấy như vậy là rất quá đáng nên nói rằng nếu thực sự muốn mua thì chốt giá 2,4 tỷ, còn bớt thêm thì tôi không bớt và không bán. Tôi quyết định đăng tin cũng như nhờ môi giới rao bán lại, sẵn sàng chờ đợi thêm vài tháng chứ không giảm giá theo yêu cầu, vì đó là đang bắt chẹt một cách quá đáng.
Ai cũng biết, khi thị trường bất động sản đóng băng, người mua sẽ có lợi thế hơn trong cuộc thương lượng giá với người bán. Họ sẽ ra sức ép giá để có được giá thấp hơn so với ban đầu. Nhưng tôi cho rằng cũng tuỳ vào vị trí, pháp lý của mảnh đất mà ép giá như thế nào cho dễ chịu một chút.
Nếu biết người bán đang cần tiền gấp, người mua sẽ lấy đó làm cớ ép giá với tâm thế mua cũng được mà không mua cũng không sao vì họ tin tưởng trong vài năm tới, thị trường sẽ giảm tiếp vì chưa chạm đáy.
Ép giá, trả giá là điều thường xuyên xảy ra trong giao dịch mua bán, thị trường bất động sản cũng không ngoại lệ. Tôi sẽ tìm nguồn tiền khác để xoay xở nợ, tiếp tục rao bán mảnh đất nếu được giá, còn không thì tôi vẫn để đó, đợi tới đỉnh chu kỳ sau, có khi tôi sẽ không phải tiếc nuối. Các bạn bán đất trong thời điểm này, cần kiên định giữ giá cho mảnh đất của mình.
Minh Tràm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.