Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.
Mất ngủ có phải bệnh?
- Rối loạn giấc ngủ là tên gọi của các rối loạn có liên quan đến chất lượng, số lượng và thời điểm khác nhau của giấc ngủ (gồm mất ngủ, ngủ nhiều, ngủ li bì) hoặc những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ (gồm hoảng sợ khi ngủ, ác mộng, mộng du).
- Mất ngủ không phải bệnh mà là triệu chứng thường gặp nhất thuộc nhóm bệnh Rối loạn giấc ngủ.
- Mất ngủ cũng có thể là triệu chứng đi kèm của nhiều bệnh lý khác.
Nguyên nhân
Mất ngủ có đa nguyên nhân, đa cơ chế bệnh sinh:
- Có thể có nguyên nhân từ những rối loạn tâm thần như stress (công việc, tình cảm, cuộc sống).
- Các nguyên nhân thực thể như đau cấp/mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày), lạm dụng thuốc/chất kích thích.
- Đôi khi không tìm được nguyên nhân và cũng có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn.
Phân loại
- Mất ngủ cấp tính (tạm thời):
- Người bệnh bị rối loạn giấc ngủ vài đêm hoặc ít hơn 4 tuần liên tục.
- Dạng mất ngủ này chiếm khoảng 30-40%.
- Người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không đủ giấc kéo dài liên tục trên một tháng.
- Mỗi ngày người bệnh chỉ ngủ được khoảng 3-4 tiếng/ngày hoặc ít hơn, hay mộng mị tỉnh giấc giữa đêm và khó có thể ngủ lại.
Mất ngủ có nguy hiểm không?
- Mất ngủ nguy hiểm, nhất là mất ngủ trong một khoảng thời gian quá lâu.
- Mất ngủ cấp tính trong một thời gian ngắn đôi khi có thể hồi phục hoàn toàn. Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến cơ thể nhanh lão hóa, mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất lao động, gây ra tai nạn nghề nghiệp, giảm khả năng giao tiếp xã hội gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.
- Mất ngủ kéo dài không được điều trị sẽ khởi phát rối loạn lo âu, trầm cảm, các bệnh tật như tim mạch, đái tháo đường, béo phì, đột quỵ, gây suy nhược cơ thể nặng ảnh hưởng khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể, dẫn đến tử vong.
Người bị mất ngủ với những triệu chứng sau đây, nếu đã nghỉ ngơi đầy đủ mà vẫn không giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cần khám chuyên khoa:
- Khó ngủ vào buổi tối, dễ bị tỉnh giấc giữa đêm và rất khó có thể ngủ lại.
- Thức giấc sớm vào buổi sáng và không cảm thấy thoải mái sau khi ngủ dậy.
- Cảm giác rất mệt mỏi và rất buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ.
- Dễ cáu gắt, buồn bực hoặc bồn chồn, lo lắng.
- Khó khăn khi tập trung suy nghĩ, trí nhớ giảm sút.
- Luôn cảm thấy lo lắng và suy nghĩ nhiều về giấc ngủ.
Chẩn đoán
- Chẩn đoán mất ngủ thường dựa vào hai chỉ số: Thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ.
- Để phát hiện và điều trị, người bệnh cần đi khám, trả lời bảng câu hỏi đánh giá tình trạng, làm xét nghiệm các yếu tố nguy cơ bệnh lý. Từ đó bác sĩ quyết định dùng phương thức trị liệu nào cho phù hợp
Điều trị
Chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp. Tuân thủ, duy trì thời gian ngủ và thức dậy giống nhau mỗi ngày. Hạn chế truy cập vào các thiết bị điện tử, tránh sử dụng điện thoại trước khi ngủ. Nghe nhạc nhẹ có thể giúp xoa dịu tâm trí. Tập thể dục hàng ngày.
Bên cạnh những phương pháp như điều trị bằng thuốc hóa dược, liệu pháp tâm lý điều chỉnh hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu, dùng thuốc thảo dược và thuốc được bác sĩ chỉ định. Chế độ ăn cân bằng thích hợp là rất quan trọng để hỗ trợ điều trị.
Mỹ Ý