Tình trạng mất đồ khi gửi ở sảnh các khu chung cư là một trong những vấn đề mới phát sinh khi dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển, gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Mất đồ gây thiệt hại cho cư dân và rắc rối cho bảo vệ hay ban quản trị chung cư. Tuy nhiên, phần lớn các khu chung cư chưa có quy định, chế tài nào về việc bảo vệ hay ban quản trị phải chịu trách nhiệm bảo đảm tài sản của cư dân được gửi ở đó.
Nói về vấn đề này, độc giả Duc Thuan Tran cho rằng không thể trách bảo vệ hay ban quản trị khi xảy ra tình trạng mất đồ ở sảnh chung cư: "Bảo vệ chung cư không có trách nhiệm với việc nhận hoặc giữ đồ giúp cư dân. Cho dù bảo vệ có được trả tiền cho việc này thì nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như hàng hóa bên trong bị hỏng (bị bắt đền) và tệ hơn là bị gài hàng cấm. Giải pháp tốt nhất là người dân mua hàng online phải thương lượng giờ giao hàng từ trước hoặc chọn giao hàng đến nới làm việc (trong giờ hành chính) nếu có thể để tránh phiền phức".
Đồng quan điểm, bạn đọc Minh KT nhấn mạnh cư dân sống trong chung cư phải tự chịu trách nhiệm với đồ đạc của mình: "Khu vực sảnh chung cư là nơi công cộng, giống như ở giữa công viên vậy. Nếu đồ đạc, tài sản không có người phụ trách trông coi thì mất là chuyện bình thường. Người chủ của đồ đạc đó cần có trách nhiệm trước tiên trong vấn đề tự bảo quản tài sản của mình, chứ không thể trách ai được. Nếu shipper giao hàng đến mà bạn không có ở nhà thì có thể gọi cho hàng xóm, bạn bè nhờ nhận giúp. Như tôi mua đồ online, mỗi khi shipper giao đến mà tôi không có ở nhà thì đều nhắn họ để đồ trước nhà rồi khi về tự lấy, mất mát tôi tự chịu".
"Nhiều người cứ nghĩ cả thế giới phải phục vụ họ hay sao vậy? Đặt hàng online sao không chờ nhận, lúc đặt hàng có chỗ để ghi chú yêu cầu giờ nhận hàng mà sao không chọn thời gian giao phù hợp? Giả sử bạn có việc đột xuất ở xa không về được để nhận thì có thể nói với shipper để hôm sau giao lại và bồi dưỡng thêm cho họ, rất đơn giản", độc giả Lý Nghịch bổ sung thêm.
>> Thế 'cửa dưới' của người mua hàng online
Thay vì để đồ ở sảnh chung cư với nguy cơ bị mất cắp, độc giả Kim Lam chọn phương án an toàn hơn: "Ai khó khăn trong việc nhận đồ thì tốt nhất nên bớt mua hàng online lại. Việc mua sắm là lựa chọn của bản thân chứ sao cứ tự mình làm khó mình? Như tôi luôn có sẵn hai địa chỉ để nhận hàng. Khi nào cần gấp thì tôi ship về công ty, còn không gấp thì tôi ship về nhà bố mẹ vì hai ông bà hầu như luôn ở nhà cả ngày. Còn không, vì là nhà đất, có rào, có chó, nên nếu không ai ở nhà, tôi có thể nhờ shipper ném vào trong sân là được. Nhiều khi muốn mua đồ nội thất hoặc đồ gì cồng kềnh, không tiện mang vác, tôi đều phải sắp xếp thời gian tự đi mua vì không thể ở nhà chờ ship tới được.
Chia sẻ về thói quen khi mua đồ online để tránh rắc rối thất lạc đồ, bạn đọc Bùi Thu Hiền bình luận: "Sau khi đặt hàng, tôi luôn phải áng chừng ngày nhận hàng để sắp xếp không đi đâu vào ngày đó. Đến ngày nhận, có tin nhắn báo trước của tổng đài, tôi sẽ luôn kè kè điện thoại, tránh làm những việc quá lâu, để không bỏ lỡ cuộc gọi tới của shipper.
Gần đến giờ nhận, tôi mặc sẵn quần áo ra ngoài (vì đồ trong nhà không mặc đi ra ngoài được), tìm sẵn chìa khóa cửa và tiền ship (hoặc tiền tip cho shipper - vì tôi thấy đây là nghề vất vả và nguy hiểm). Đợi có cuộc gọi là tôi lao ngay xuống sảnh, vì rất ngại để shipper chờ đợi mình quá lâu. Tôi cũng không bao giờ kêu shipper để đồ ở chỗ bảo vệ, vì tôi biết đó không phải trách nhiệm của họ, nếu xảy ra mất mát sẽ rất phiền".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.