Đọc bài viết "Tôi không tuyển nhân viên nhảy việc bốn lần trong hai năm" của tác giả Buzz, tôi vừa đồng cảm, vừa muốn chia sẻ đôi điều vì bản thân cũng là một Gen Z nhảy việc nhiều lần. Tôi từng có thời gian làm tuyển dụng và hiểu rất rõ suy nghĩ cho rằng "người nhảy việc với tần suất cao sẽ không thể nắm rõ và hiểu rõ quy trình của công ty, không thể hiểu được tính chất công việc, hay tốn chi phí đào tạo cho công ty...". Nói chung, có rất nhiều lý do chống lại sự nhảy việc liên tục.
Hiện nay, tôi đang làm cho công ty chính thức thứ hai và rất mong muốn tìm thêm vị trí mới để nhảy việc. Hành trình đi làm từ khi tốt nghiệp của tôi như sau:
Công việc thứ nhất của tôi là ở một ngân hàng có tiếng. Tôi luôn nỗ lực và phấn đấu để làm hài lòng sếp, nhưng quả thực người này có tham vọng vô đáy. Khi tôi rời công ty, rất nhiều anh chị em tâm sự và lên án cách làm việc có phần lấn lướt, vượt mặt và hống hách của sếp quản lý trực tiếp hòng lập công với sếp lớn hơn. Tôi dù OT ("overtime" - làm thêm giờ) liên tục nhưng vẫn chưa bao giờ làm sếp hài lòng.
Tôi thấy bản thân mình không chỉ không phát triển, mà còn dần lấn lướt đồng nghiệp, đánh mất thiện cảm một cách cực đoan do bị ảnh hưởng bởi sếp trực tiếp. Tuy nhiên, tôi cũng ngầm hiểu rằng người sếp này chỉ đang nỗ lực cho những chỉ tiêu vượt bậc mà sếp lớn hơn đặt ra. Hơn nữa, vì bản thân còn ít kinh nghiệm nên tôi đành ngậm ngùi rời đi chỉ sau vỏn vẹn một năm, dù lòng còn nhiều hoài bão, muốn cống hiến.
Công việc thứ hai của tôi là tại một công ty FDI. Hòng nỗ lực hết sức để tìm một vị trí phù hợp, tôi tự hào khi vượt qua nhiều vòng phỏng vấn căng thẳng và hai tháng học việc, đi công tác triền miên ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng vì tình hình kinh doanh bất ổn định, công ty chuyển tôi sang bộ phận mới sau khoảng sáu tháng làm việc. Tôi vẫn vui vẻ làm việc dù sếp trực tiếp đã bỏ cuộc chơi.
Đến trước Tết, công ty đã quyết định chuyển tôi sang một vị trí mới lần nữa - nơi mà bản thân vừa không yêu thích, vừa không có khả năng. Vị trí cũ bị loại bỏ hoàn toàn dù đó là một phòng ban tương đối quan trọng. Công ty buộc nhân viên chạy theo lợi nhuận để duy trì và phó mặc cho tôi "tự bơi". Tôi xin đăng ký khóa học phục vụ cho vị trí mới hay nhờ đổi vị trí phù hợp hơn nhưng đều bị từ chối. Trước Tết, vì vấn đề tiền thưởng bị cắt giảm mạnh tay, tôi có manh nha ý định chuyển việc.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân để Gen Z nhảy việc: lương thấp, môi trường làm việc trở nên khắc nghiệt, yếu tố kinh doanh khiến công ty cắt giảm nhân sự... Thêm vào đó, những nhà tuyển dụng cũng nên nhìn lại hành trình mà Gen Z phải đối mặt từ khi ra trường: bị ảnh hưởng bởi Covid-19, suy thoái kinh tế, sự mở rộng của TikTok, AI... và hàng loạt biến động của đa chiều. Tất cả những yếu tố đó khiến Gen Z phải vô cùng nỗ lực để sống như những gì mà những thế hệ trước đó mong đợi.
>> Tâm lý nhảy việc dễ dãi của nhiều Gen Z
Sống ở một thế giới vận hành liên tục, Gen Z xuất hiện tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) nhiều hơn, sợ đánh mất những cơ hội của riêng mình. Dường như người ta chê bai quá nhiều thành quen, nên Gen Z dần trở nên im lặng và mặc định đó là thuộc tính của thế hệ. Quả thật, tôi vẫn đang rất băn khoăn vì hai năm kinh nghiệm vỏn vẹn của mình ở hai công ty sẽ bị đánh giá là nhảy việc nhiều và thiếu trung thành. Một người bạn thân đã khuyên tôi nên điều chỉnh con số trên CV thành 2,5 năm hoặc 3 năm cho đỡ bị đánh giá, nhưng tôi từ chối vì không thích nói dối.
Sâu thẳm trong tôi vẫn luôn chôn chặt khát vọng được cống hiến như công việc đầu tiên, sẵn sàng làm thêm mỗi tối và phát triển bản thân liên tục. Đương nhiên, khi bản thân có được nhiều kỹ năng hơn (như lập trình, thêm ngôn ngữ mới hoặc chứng chỉ mới), tôi sẽ tạo được nhiều giá trị cho công ty hơn và có thể đòi hỏi mức lương tương xứng. Khi chúng ta sòng phẳng về mọi thứ, cam kết việc làm sẽ lâu dài và bền chặt.
Nhưng ngược lại, liệu có nhiều công ty có chính sách nhân sự tốt để giữ chân nhân sự trẻ, khiến họ yên tâm cống hiến không? Hay chính vì tình hình kinh doanh nên nhân viên phải thông cảm thế này, chờ đợi thế kia. Và Gen Z - một thế hệ vừa bị đòi hỏi phải như Gen X và Gen Y, vừa phải vươn mình sống đúng với độ tuổi thế hệ của bản thân, nhưng không thể được thông cảm và chờ đợi thêm nữa. Rất mong những thế hệ trước có thể mở lòng hơn và ít nhất hãy lắng nghe lý do nhảy việc của Gen Z.
Con số thời gian làm việc chỉ là bề nổi khi ta dùng nó để quy kết, bởi như vậy sẽ bỏ rơi nhiều nhân sự tiềm năng. Gen Z sẽ lại tìm đến những công ty không phù hợp và tiếp tục rời đi và cũng chẳng có gì đảm bảo, người làm lâu năm mới là người phù hợp. Và có khi, sau này, khi con cái các thế hệ đi trước - Gen Alpha - cũng bất lực tìm việc trong bối cảnh những Gen Z (đã làm lãnh đạo) không mở lòng. Thế nên, hãy hiểu cho cái khó của Gen Z để thôi phàn nàn vì mỗi chúng ta đều đang vật lộn với những khó khăn riêng, không chỉ của cuộc sống mà còn những định kiến thế hệ đặt nặng trên vai.
Tôi ung dung như ngày hôm nay, tin chắc rằng cha mẹ mình ở công ty cũng đang rất mở lòng với đồng nghiệp bằng tuổi tôi, đối xử rất tốt với họ như những anh chị đồng nghiệp của tôi, dù rất tức giận nhưng vẫn nhẫn nại với mình. Phước báu đó, mong thế hệ sau sớm nhận được khi chúng ta chịu mở lòng từ hôm nay.
Kiên Đinh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.