Nói về chuyện nhảy việc nhiều của Gen Z, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên phải trung thành tuyệt đối là đòi hỏi vô lý. Cá nhân tôi cho rằng, dù có trung thành hay không thì giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng là mối quan hệ hai chiều, có qua lại.
Nếu bạn mới vào làm, chưa đóng góp được gì cho công ty, chưa chứng minh được khả năng và năng lực của bản thân, nhưng lại quay ra chê bai doanh nghiệp đòi hỏi trung thành một cách vô lý và nhảy việc liên tục thì bạn cũng cần phải xem lại mình. Còn nếu bạn thực sự là người có năng lực, chứng minh được giá trị mang lại cho doanh nghiệp mà không được đánh giá, đãi ngộ xứng đáng thì nhảy việc là việc nên làm.
Hiện trạng bây giờ là các bạn trẻ hầu như hay đòi hỏi việc nhẹ, lương cao. Nhiều bạn kỹ năng chuyên môn và giao tiếp, làm việc nhóm rất kém, nhưng lại luôn huyễn hoặc bản thân, nên dẫn đến cảm giác nhanh thất vọng khi mới bắt đầu làm việc. Trong khi đó, các bạn không hiểu một điều rằng giờ là thời buổi kinh tế thị trường, bạn làm việc mà không tạo giá trị gì cho doanh nghiệp, không có năng lực thì làm sao người sử dụng lao động sẵn sàng trả bạn lương cao?
Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ đi làm chỉ lướt mạng, lướt Facebook, TikTok là nhanh. Các bạn tự tin mình làm giỏi nhưng vào làm các vị trí như kế toán mà kỹ năng cơ bản như Excel cũng không biết thì vậy là bạn giỏi hay doanh nghiệp không biết đánh giá, không phù hợp với bạn?
Tất nhiên, ai cũng có quyền chọn lựa cho mình một môi trường phù hợp, một nơi để gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, vấn đề của các bạn trẻ là công nghệ quá phát triển, cuộc sống cũng dễ thở hơn thời trước, các bạn cũng có nhiều lựa chọn công việc hơn, nên tinh thần phấn đấu, cố gắng hay khả năng chịu sức ép (cho dù là làm đúng công việc mình lựa chọn) lại kém hơn trước nhiều, nên mới dễ thất vọng và chán nản.
>> Tôi không tuyển nhân viên nhảy việc bốn lần trong hai năm
Khi chê một công việc gì đó, các bạn trẻ trước tiên phải định nghĩa thế nào là quá giờ, quá sức? Có bạn trẻ nào ở đây có thể khẳng định trong giờ làm việc các mình toàn tâm toàn ý xử lý công việc mà không sử dụng thời gian của công ty để làm việc riêng (từ lướt web, nhắn tin, buôn chuyện điện thoại, trà đá, cà phê, và các việc cá nhân khác?
Các bạn trẻ khi bước chân vào làm việc, ví dụ đơn giản là việc văn phòng thôi, liệu kỹ năng đơn giản nhất như Words, Excel, từ cách trình bày đến sử dụng, thao tác của các bạn đã tốt chưa, hay chỉ dừng lại ở mực biết sơ sơ? Khi được giao nhiệm vụ xử lý một việc trong vòng 5 phút, các bạn có hoàn thành được hay phải mất đến 50 phút mới xong? Người ta làm một lần là xong, còn bạn gửi lên gửi xuống, dăm bảy lần chỉnh sửa vẫn chưa ổn. Như vậy thì có xứng đáng được đãi ngộ tốt?
Còn nếu thực sự bạn quá giỏi, năng lực quá tốt, thì chắc chắn bạn sẽ có quyền đưa ra thỏa thuận với công ty và là người làm chủ cuộc chơi. Thậm chí, người chủ doanh nghiệp còn phải tìm cách để trọng dụng bạn hơn nữa, vì nó chứng tỏ khả năng xử lý và sắp xếp công việc của bạn. Vậy nên, nếu thực sự bạn là người có năng lực, mọi việc sẽ được sắp xếp cân bằng từ công việc đến cuộc sống.
Tóm lại, các bạn muốn chỉ làm việc trong mức lương được chi trả, không có sự phát triển nào, không mang lại giá trị cho doanh nghiệp, thì chắc chắn bạn sẽ ở trong danh sách thải loại đầu tiên của doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng trả lương 15, 20, 30 triệu đồng một tháng mà không cần bạn phải đòi hỏi gì nếu bạn thực sự đóng góp được nhiều cho công ty. Vấn đề là bạn có xứng đáng được nhận điều đó hay không mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.