Chửi rủa, lăng mạ, uy hiếp, thậm chí dọa giết, đó là hình thức "khủng bố" tinh thần mà nhiều cá nhân, tổ chức đang sử dụng dưới cái mác "đòi nợ". Vấn đề là, hầu hết những nạn nhân ở đây lại không phải là con nợ. Họ chủ yếu là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền. Cá biệt có những trường hợp chẳng quen biết gì với con nợ cũng vô tình bị lôi vào cuộc. Và sau những cuộc điện thoại đòi nợ đó, có người bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái lo lắng, bất an; nặng hơn, nhiều người còn bị kể xấu lợi dụng ép ký những giấy tờ vay nợ thật hoặc bị lừa bán tài sản của mình để gán nợ.
Từng rơi vảo cảnh dở khóc dở cười khi bỗng dưng thành con nợ, độc giả Anh Hải chia sẻ: "Tôi có một SIM điện thoại đăng ký mới, sử dụng ổn định đã hai năm. Giờ có người gọi đến hỏi tôi có phải là chị A, có phải người thân của anh B. Rồi họ tự gán ghép, mặc định tôi là người thân của những người đang trốn nợ, lừa đảo, rồi 'khủng bố' tinh thần, yêu cầu tôi phải liên hệ với con nợ để trả nợ.
Còn vợ tôi mua một SIM đăng ký mới cũng được bảy năm rồi. Từ ngày mua mới SIM, vợ tôi bị khủng bố đòi nợ liên tục, gán cho là người này, người kia dù chẳng quen biết gì họ, chẳng biết mặt mũi họ ra sao. Tôi cho rằng, nhà mạng di động đã vô tình làm ảnh hưởng đến khách hàng của mình. Chưa kể bọn lừa đảo còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của nhà mạng để nhắn tin lừa đảo hàng loạt".
Cùng chung tình cảnh bị đòi nợ khống, bạn đọc Trịnh Hải kể lại: "Gia đình tôi cũng bị đòi nợ kiểu như vậy. Không hiểu thế nào mà bọn chúng biết cả tên và số căn cước công dân của con tôi, để gọi đến đòi nợ. Nhưng thực tế con tôi không đi vay mượn của ai cả. Những kẻ này cũng không đòi thẳng con tôi mà liên tục gọi điện cho tôi để ép trả nợ thay. Khi tôi yêu cầu họ đến tận nhà để giải thích rõ ràng về khoản nợ thì không thấy ai đến. Điều tôi thấy rất bực bội là bọn chúng gọi điện cho tôi liên tục cả ngày lẫn đêm, có tháng ngày nào cũng gọi để nhắc nợ nên tôi đã đến báo công an phường. Có điều, bọn chúng sử dụng SIM rác để gọi điện khủng bố người dân nên không thể xử lý được".
"Tôi cũng đang bị rơi vào tình trạng như vậy. Lúc trước, có người gọi cho tôi nói rằng một người bạn của tôi (thực ra là thằng bạn cũ hơn chục năm chưa gặp) nói rằng bạn đang vay nợ của họ và yêu cầu tôi phải có trách nhiệm kêu bạn trả nợ hoặc trả nợ thay. Họ dùng lời lẽ xúc phạm, hăm dọa các kiểu. Vì chúng dùng số máy bàn và liên tục đổi số để gọi nên tôi gọi lại không được. Thật sự, chuyện này là rất ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của cá nhân tôi. Chỉ mong các cơ quan có thẩm quyền sớm can thiệp để những người vô tội như tôi thôi hoang mang", độc giả Tran Trung Hieu nói thêm.
>> Cả công ty bị khủng bố vì một nhân viên vay nợ
Thủ đoạn chung của hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen này là kẻ xấu dùng nhiều số điện thoại ảo để liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của người nợ tiền. Chúng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng và người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy hoặc thông tin không đúng sự thật rồi đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép... buộc nạn nhân phải đưa tiền.
Bế tắc và mệt mỏi khi trở thành nạn nhân bị đòi nợ, khủng bố tinh thần, bạn đọc Tuan Anh bày tỏ: "Tôi từng bị gọi điện đòi nợ như vậy cứ 45 phút một lần. Tôi chặn số này thì chúng lại gọi bằng số khác. Đến mức tôi phải tắt điện thoại đi suốt hai ngày để không bị làm phiền. Trong khi đó, tôi hoàn toàn không phải người vay nợ của họ. Tôi chỉ là người có quen biết với con nợ mà thôi. Ban đầu chúng còn ngọt nhẹ để yêu cầu tôi trả nợ thay. Sau đó, thấy không đòi được tiền, chúng chuyển sang chửi bới, đe dọa. Dù biết chúng không thể làm gì được mình nhưng tôi thực sự thấy phiền phức, khó chịu. Không biết đến bao giờ cơ quan chức năng mới dẹp được tình trạng này?".
Độc giả Khoa béo bổ sung thêm: "Bản thân tôi không vay nợ ai, người thân của tôi cũng vậy. Chỉ là một đồng nghiệp cùng công ty của tôi vay nợ. Lúc đăng ký vay, dù không có sự đồng ý của tôi, nhưng người đó lại tự ý thêm số điện thoại của tôi vào. Giờ người đó đã nghỉ làm, tôi bỗng nhiên trở thành nạn nhân bị khủng bố tinh thần.
Một trường hợp khác là bác tôi về hưu, tài sản tiền tỷ, con cái thành đạt. Bác không đụng đến công nghệ bao giờ, cũng không vay mượn ai, nhưng không biết ở đâu chúng có thông tin mà gán cho bác một món nợ vài triệu đồng. Chúng gọi đến lăng nhục, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bác, liên tục đòi chuyển khoản tiền chứ nhất quyết không chịu làm việc trực tiếp".
Nhấn mạnh cần sớm có sự can thiệp của cơ quan chức năng để dẹp bỏ vấn nạn này, bạn đọc HT nêu quan điểm: "Tôi nghĩ trình báo số điện thoại của kẻ gọi cho công an cũng là một giải pháp, nhưng các đối tượng cũng có nhiều cách để né hoặc dùng số ảo để gọi nên công an cũng khó lần ra được. Còn trên Facebook, chúng có thể dùng rất nhiều tài khoản ảo để khúng bố tinh thần nạn nhân, rất khó chặn. Nói chung, đám đòi nợ này đang rất coi thường pháp luật. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp can thiệp, dẹp hết các loại tội phạm này. Riêng các công ty cho vay tài chính, tại sao không xác minh kỹ hồ sơ của người vay từ trước? Chính sự lỏng lẻo trong hoạt động của họ đã tiếp tay thêm cho bọn lừa đảo này ngày một gia tăng".
>> Bạn có từng là nạn nhân bị đòi nợ 'khủng bố'? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.