Đòi nợ kiểu xã hội đen đang lộng hành khắp nơi, từng là nạn nhân của hoạt động đòi nợ này, độc giả SM Dong Kinh chia sẻ: "Đây là hình thức lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tình cảnh cùng đường của một số người trong xã hội để cho vay với lãi suất rất cao. Họ tìm đủ mọi cách để moi thêm tiền của những người đã ở vào cảnh khốn cùng. Thêm nữa, họ lại còn sử dụng thủ đoạn khủng bố cả những người không liên quan.
Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của kiểu đòi nợ này. Chuyện là một cậu nhân viên mới vào của công ty sau khi đăng ký vay đã nghỉ việc. Thế nhưng người của họ vẫn tới đe dọa, khủng bố tinh thần cả Giám đốc, Kế toán, Trưởng phòng nhân sự... Đến mức, người của công ty đã van xin, nói ra là không còn liên quan rồi nhưng chúng vẫn không buông tha. Thế nên, tôi ủng hộ chính quyền mạnh tay dẹp ngay các tổ chức tín dụng đen núp bóng kiểu này".
Nói về bản chất hoạt động của loại hình đòi nợ này, bạn đọc Trần Văn Nhâm phân tích: "Thứ nhất, đúng là có vay là phải trả, nhưng sẽ có những trường hợp bất khả kháng xảy ra với khách hàng nên họ sẽ phải xin chậm trả, chứ không phải ai cũng muốn quỵt luôn số tiền đó. Thứ hai, đã là vay tín chấp, lãi suất của bên cho vay đã khá cao, do đó đổi lãi, họ buộc phải chấp nhận rủi ro nghề nghiệp, đó là những trường hợp nợ xấu, chứ không phải muốn đòi nợ thế nào cũng được.
Thứ ba, chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi hoạt động nhằm đe dọa người khác để thu hồi nợ đều là trái pháp luật. Những người vay mà không trả cũng đều có cơ chế bị xử lý cả, đó là việc rất bình thường. Thế nên, vấn đề ở đây không phải là 'đâu ai kề dao vào cổ bắt vay', mà nhiều người thiếu kinh nghiệm, kiến thức nên cuối cùng bị gài, dính vào những khoản vay lãi cao không trả nổi. Chúng ta đừng viện dẫn bất cứ lý do nào để biện minh cho những hoạt động đòi nợ trái pháp luật như vậy cả".
>> Tôi bị 'chủ nợ' của bạn khủng bố Facebook
Đồng quan điểm, độc giả Linh Phương cho rằng: "Cái sai là công ty kiểu này dùng mọi thủ đoạn tinh vi để tăng lãi suất, đánh vào lúc khó khăn và tâm lý khi đi vay của người lao động và sinh viên, học sinh đang cần tiền. Người vay hầu như không lường trước được các bước tăng phí trong quá trình vay, đến lúc cộng dồn lãi suất họ mới ngã ngửa. Khi đó, có khi họ phải chấp nhận mức lãi cao chẳng khác gì tín dụng đen. Nhiều người đã phải bỏ cả vật cầm cố để trừ nợ, số khác sẽ bị công ty siết nợ theo kiểu xã hội đen và làm ảnh hưởng đến cả gia đình, bạn bè, người thân của họ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của công ty này".
"Cho vay cũng phải có kiến thức, có ai ép bên cho vay lấy tiền mình nhét vào túi người khác đâu? Điều kiện cho vay là công ty phải thẩm định được khả năng trả nợ của người di vay, xem họ có tài sản đảm bảo khi không thể trả theo điều kiện ban đầu không? Nếu đã bỏ qua hai điều kiện này thì bên cho vay phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Không thể vì không thể thu được nợ mà tự cho mình cái quyền ép người thân của con nợ phải chịu thay được. Bất cứ hành vi phạm pháp nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đấy cũng là hồi chuông cảnh báo cho các công ty tín dụng chuyên cho vay kiểu này", bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.
Đánh giá về hoạt động cho vay và đòi nợ theo kiểu xã hội đen đang ngày một bành chướng, độc giả Lehien bày tỏ: "Nhà nước tạo ra luật để quản lý và xử lý các hành vi vi phạm. Mọi người đều có quyền kinh doanh cầm cố, cho vay, miễn là đảm bảo đúng với lãi suất quy định, cách thu hồi nợ đúng pháp luật. Nếu lấy lý do là vì rủi ro, có vay có trả, không trả là tự ý đòi nợ bất chấp, không theo luật, thì tín dụng đen sẽ lộng hành. Những tổ chức cho vay, cầm cố nặng lãi... sai với quy định của pháp luật cần phải bị xử lý càng sớm càng tốt. Nếu người vay không chịu trả thì đã có tòa án, cơ quan thi hành án bảo vệ quyền lợi người cho vay, không riêng ai được tự cho mình sống và làm việc ngoài vòng pháp luật được".
>> Bạn có từng là nạn nhân bị đòi nợ 'khủng bố ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.