Gần đây trên Facebook, nhiều fanpage đăng tin tuyển mẫu nhí, tuyển mẫu chụp ảnh rất rầm rộ với những chiêu trò thao túng tâm lý của các phụ huynh. Mặc dù đưa ra mức lương không cao, chiêu trò "không làm mà vẫn có ăn" cũng đã quá cũ, nên những người này tạo ra hình thức lừa đảo mới, đánh vào tâm lý của phụ huynh có con em nhỏ, muốn cho con va chạm với môi trường bên ngoài.
Bản thân tôi cũng vừa là nạn nhân của trò lừa đảo này. Đầu tiên, chúng mao danh nhân viên của một công ty thời trang có tiếng và đường dây sẽ có khoảng vài người có tổ chức đủ các phòng ban, sẽ cho bạn cảm giác rất chuyên nghiệp. Cụ thể chiêu trò lừa đảo sẽ như sau:
Bước một, khi tôi đăng ký cho con tham gia, chúng sẽ cấp một mã số dự tuyển cho bé và bảo liên hệ với một số điện thoại phụ trách để làm việc.
Bước hai, người phụ trách này sẽ yêu cầu bạn gửi hình chân dung toàn thân của con, khuôn mặt của con, hỏi xem con đã tham gia đào tạo ở đâu chưa, số điện thoại liên hệ của phụ huynh, địa chỉ... cảm giác rất chuyên nghiệp để tạo niềm tin cho cha mẹ. Sau đó, chúng sẽ bảo phụ huynh đợi để gửi thông tin lên hệ thống xét duyệt. Sau vài tiếng hoặc ngày hôm sau, bạn sẽ nhận được thông báo hệ thống đã xét duyệt thành công và yêu cầu bạn phải cài đặt và sử dụng Telegram.
Bước ba, những kẻ xấu sẽ cung cấp số Telegram của một bên gọi là Phòng Nhân sự, yêu cầu bạn trao đổi thông tin và cung cấp mã số và hồ sơ ứng tuyển đã được xét duyệt. Sau đó, họ sẽ thêm bạn vào một nhóm Telegram mà chúng nói là cùng tương tác và hỗ trợ giữa các phụ huynh với nhau. Nhưng thực chất trong đó đa phần là người của chúng.
>> Sập bẫy việc nhẹ lương cao 'chơi game lời trăm triệu'
Bước bốn, chúng sẽ yêu cầu các phụ huynh phải thực hiện một số nhiệm vụ tương tác để cho con đạt được điểm tiêu chuẩn trúng tuyển. Sẽ có hai vòng để thực hiện nhiệm vụ cho phụ huynh:
Ở vòng một, chúng sẽ đưa ra mức thời gian trong ngày để thực hiện nhiệm vụ: cứ mỗi lần chúng gửi link sản phẩm thì phụ huynh phải mở link chụp lại màn hình. Bạn phải hoàn thành trong năm phút. Tuy nhiên, các phụ huynh đa phần đều bận trong thời gian này nên sẽ muốn nhanh hoàn thành nên chúng sẽ đưa ra nhiệm vụ khác nhanh hơn là "bồi đơn".
Bồi đơn là khi chúng gửi link sản phẩm, phụ huynh sẽ phải mở link chụp ảnh gửi lên nhóm sau đó theo cú pháp nhắn tin chuyển tiền theo đúng giá trị sản phẩm vào một tài khoản mà chúng cung cấp. Sau đó, chúng báo hệ thống sẽ hoàn trả cho phụ huynh trong vòng 3-5 phút. Và thực sự là có trả thêm 10% hoa hồng sản phẩm (cái này không đáng kể vì sản phẩm đưa ra có giá trị thường chỉ vài trăm nghìn đồng). Hoàn thành vòng một, phụ huynh được mời ra khỏi nhóm này và sẽ được chuyển qua nhóm khác để vào vòng hai.
Ở vòng hai, bạn cũng phải thực hiện nhiệm vụ bồi đơn. Và có năm nhiệm vụ trong vòng này. Mức chuyển khoản tăng dần từ vài triệu đồng cho mỗi nhiệm vụ (một sản phẩm). Tới nhiệm vụ thứ năm, các phụ huynh sẽ phải làm nhiệm vụ liền đơn (ba sản phẩm). Và theo quy định, phụ huynh khi đã nhận nhiệm vụ thì bắt buộc sẽ phải hoàn thành. Tổng giá trị ba sản phẩm trong nhiệm vụ cuối cùng này là khoảng trên dưới 100 triệu đồng. Và phải đủ ba sản phẩm thì bạn mới hoàn thành xong nhiệm vụ này để con trở thành mẫu nhí. Và hiển nhiên số tiền đó cũng là không cánh mà bay.
Trong nhóm này, có khoảng bốn đến sáu phụ huynh tham gia, nhưng chỉ có một nạn nhân, còn lại sẽ là người của chúng. Nên phụ huynh có nghi ngờ mà nhắn tin hỏi riêng người chơi kia thì cũng lại càng dễ tin để vào tròng của chúng. Chúng thường dùng tên Zalo, Facebook ảo, SIM rác hoặc hack được từ người nào đó, thậm chí còn làm giả CMND hoặc ăn cắp được thông tin của họ ở đâu đó để mang đi lừa đảo.
Hiện tại, nhiều kênh truyền thông đại chúng đã ra bản tin cảnh báo việc có rất nhiều người nhẹ dạ tin cả tin mà mất tới vài trăm triệu đến cả tỷ đồng vì chiêu trò lừa đảo này. Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ là bài học kinh nghiệm để các bậc phụ huynh cảnh giác, tránh rơi vào cái bẫy mà những kẻ lừa đảo giăng ra.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.