Dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan công an, nhưng thực tế, nhiều người vẫn trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lừa gạt hòng chiếm đoạt tài sản qua các trang mạng xã hội. Lừa đảo online có nhiều hình thức như tuyển cộng tác viên online, đầu tư online, tài xỉu, vận hành đơn online... Những công việc trên được đội lốt bằng những bài quảng cáo với các từ khóa hấp dẫn như "việc nhẹ lương cao" "lãi 100%", "làm việc chỉ hai tiếng", "rảnh làm bận nghỉ", "không ôm hàng", "không yêu cầu kinh nghiệm", "250.000 đồng một ca làm", "đa dạng đối tượng"...
Làm chơi kiếm cả chục triệu một tháng
Hình thức hoạt động cộng tác viên online là nhận nhiệm vụ từ các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử với mức hoa hồng từ 10-20%. Sau khi đăng ký tham gia, nạn nhân sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin như tên, tuổi, công việc, địa chỉ sinh sống, ngân hàng, số tài khoản, mục tiêu thu nhập, năng lực nhận đơn.
Một bạn sinh viên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, do cần tiền để trang trải cuộc sống nên bạn đã tìm đến các công việc trên Facebook. Khi liên lạc với người tuyển dụng qua mạng xã hội, họ đã giải thích về cách hoạt động của hình thức đặt đơn ảo này. Tin rằng công việc này có thật nên bạn đã đăng ký tham gia với tiền lãi được hứa hẹn lên tới 20% sản phẩm.
Đơn hàng ban đầu bạn nhận có giá 600.000 đồng với lợi nhuận 10% giá sản phẩm. Tổng tiền bạn thu lại là 660.000 đồng chỉ sau 3-5 phút chờ như lời hứa hẹn ban đầu. Nhiệm vụ thứ hai có giá hơn 800.000 với hoa hồng là 10% nhưng lần này bắt buộc phải hoàn thành hết ba đơn hàng mới được thanh toán - điều mà người hướng dẫn không hề nói trước đó. Đa phần, họ cố tình để dòng thông báo nhiệm vụ ở cuối để đánh lừa thị giác và sự chủ quan của đối tượng tham gia, khiến họ bắt buộc phải theo nhiệm vụ để nhận lại được tiền của mình.
"Họ trả tiền cho mình đơn nhỏ đầu tiên sau đó sẽ cho mình những đơn có giá trị to và nhiệm vụ liên hoàn, bắt buộc phải hoàn thành hết các đơn hàng thì mới được trả tiền. Ban đầu tôi không hề biết về việc phải làm hết ba đơn rồi mới được hoàn tiền. Tiền các đơn sau cứ thế tăng dần cho đến khi bạn không thể chi trả, họ sẽ lấy nhiều cớ để ăn chặn tiền của bạn", bạn nói.
Hai đơn cuối bạn đã phải vay ba người bạn với tổng số tiền là bảy triệu đồng. nhiều người khuyên can nhưng bạn vẫn cố gắng theo đến cùng với hy vọng sẽ được lấy lại tiền và tâm lý làm hết đơn này sẽ ngừng nhận nhiệm vụ. Cuối cùng bạn chỉ nhận được thông báo "không hoàn thành nhiệm vụ do sai nội dung" và yêu cầu làm nhiệm vụ khôi phục. Có điều, nhiệm vụ để "sửa sai" hóa đơn kia lên tới 11 triệu đồng. Lúc này, bạn mới biết bản thân đã bị lừa.
>> Mất bốn tỷ đồng vì đầu tư 'nóng' mùa dịch
Chơi một ván game lời trăm triệu
Ngoài chiêu trò dụ làm việc kiếm tiền, những trò chơi online phải nạp như tài xỉu, đề án... cũng có những lời mời hấp dẫn không kém khi lừa con mồi rằng khả năng thắng rất cao. Với lời quảng cáo chỉ cần số tiền gốc 25 triệu đồng những có thể thắng tới 203 triệu đồng, không ít người đã tin vào trò chơi may rủi này.
Một trường hợp tôi biết ở TP HCM cũng đã chơi thử lần đầu và thắng với số tiền là 243 triệu đồng. Tuy nhiên, do số tiền đã vượt quá quy định, nên phía bên kia không cho rút vì cho rằng người chơi đã không đọc kỹ hướng dẫn và yêu cầu nạp thêm tiền lên gói 50 triệu đồng.
Tại đây, nạn nhân được tiếp xúc với "cò mồi" cho vay 10 triệu đồng và có những lời nói động viên như: "Tiếc quá! Chơi đến đây mà nghỉ thì phí quá. Sao bạn không vay nóng?"... và đối tượng này làm mọi cách để nạn nhân nạp thêm cho đủ 25 triệu đồng.
Nếu ham số tiền lớn và tiếp tục chơi, nạn nhân sẽ nhận được thông báo đã thắng từ người "thầy" đọc lệnh và được yêu cầu liên hệ với bên chăm sóc khách hàng để làm thủ tục rút tiền. Phương án họ đưa ra là chuyển 24/7, phí 2-4%, khoảng 15-30 ngày giải ngân hoặc chuyển nhanh với phí 8% trong vòng 24h là có tiền. Và người chơi sẽ buộc phải nạp thêm tiền để được nhận thưởng. Kết quả đương nhiên là tiền mất tật mang.
>> Nhiều người Việt sập bẫy lừa vì muốn làm ít hưởng nhiều, giàu trong nháy mắt
Bị lừa lần hai
Do những thông tin sử dụng là giả, nên việc xác minh hành vi lừa đảo từ những vụ việc này rất khó. Những đối tượng lừa đảo nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và cố ý thách thức cơ quan có thẩm quyền.
Theo dõi các hội nhóm Facebook về "tố cáo lừa đảo qua mạng", tôi thấy người ta vẫn chia sẻ với nhau những câu chuyện đã trải qua, đưa lời khuyên, thông tin những kẻ lừa đảo để cùng cảnh giác. Thậm chí, có người sau khi bị lừa còn có một vài đối tượng ngỏ ý muốn giúp đỡ lấy lại tiền, giải ngân, tra tài khoản ngân hàng... Những kẻ này tự nhận là công an, làm việc trong chính phủ, những cơ quan có thẩm quyền để lấy danh nghĩa hoàn lại số tiền đã mất cho người bị hại. Với điều kiện 10% phí trả trước, đã có nhiều nạn nhân tham gia để lấy lại tiền nhưng họ tiếp tục bị lừa lần thứ hai với hình thức mới.
Lời khuyên tốt nhất dành cho những người bị lừa là trình báo lên công an phường, công an an ninh mạng để giải quyết. Hiện tại, Việt Nam đã thành lập Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao. Họ khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:
- Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội.
- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 0692194053
- Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.