Tôi làm lập trình viên, biết nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng, nên thường hay nói cho vợ nghe để cảnh giác, tránh bị lừa. Đột nhiên, thứ sáu cuối tuần trước, khi tôi đang làm ở công ty thì vợ gọi điện hỏi: "Anh gửi em 5 triệu, đừng hỏi nhiều". Tôi nghĩ số tiền không quá lớn nên đã mượn tiền người khác để gửi cho vợ.
Khoảng năm phút sau, vợ tôi nói gửi thêm 130 triệu nữa. Lúc này, tôi mới giật mình nghi ngờ khả năng vợ đã bị lừa nên hỏi kỹ lại xem vợ đang làm gì? Vợ bảo "đang làm việc tại nhà, nhưng làm đơn sai, muốn lấy lại tiền gốc thì phải nộp tiền bù vào". Nghe đến đây, tôi biết 100% vợ đang bị lừa đảo qua mạng. "Em bị lừa rồi, mau gửi hết tiền cho anh và ra ngân hàng khóa tài khoản lại, gọi công an", tôi thúc giục. Nhưng đáp lại tôi là câu trả lời của vợ: "Dạ, em không còn đồng nào".
Nói chuyện đến đây, tôi biết là mình không còn gì nữa, lập tức bỏ việc ở công ty để chạy về nhà. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết hình thức lừa đảo quá đơn giản mà "ngày nào trên báo cũng nói", vậy mà vợ tôi vẫn bị lừa.
Đầu tiên, kẻ xấu gạ gẫm đào tạo bán hàng tại nhà, trên ứng dụng Telegram (đây là phần mềm nhắn tin, gọi điện ẩn danh). Chúng đào tạo y như hoạt động bán hàng bình thường. Sau đó, chúng đưa địa chỉ công ty ở Việt Nam, tên trang web (trang web và công ty này là có thật nhưng không liên quan gì tới họ) để khiến khách hàng tin tưởng.
Tiếp theo, chúng đưa cho con mồi một đường link bán hàng dẫn tới trang web giống hệt trang của công ty có thật kia (chỉ khác một ký tự rất nhỏ khiến người khác khó nhận ra). Tiếp theo, nạn nhân sẽ thực hiện đơn hàng đầu tiên cho chúng (được hưởng hoa hồng 60% từ giá trị đơn hàng). Chúng trả tiền đàng hoàng, mỗi đơn 350.000 đồng trong vòng vài phút. Đơn tiếp theo tiếp tục được trả tiền đàng hoàng. Cứ như vậy, chúng trả cho con mồi một ít tiền để làm tin.
Sau đó, chúng sẽ nâng dần giá trị các đơn hàng lên, đồng thời tìm cách để nạn nhân khó hoàn thành đơn hàng hơn. Dù bạn làm đúng chúng nói là sai với hàng loạt lý do: mạng bên em bị chập chờn, đường mạng yếu nên bị lỗi... Lúc này, nếu nạn nhân muốn tiếp tục công việc và rút được tiền, họ sẽ phải nộp một số tiền để đền đơn, nếu đơn tiếp theo làm đúng thì sẽ được hoàn tiền cả gốc lẫn lãi.
Nhưng đương nhiên, đơn tiếp theo bạn chắc chắn sẽ bị sai, và phải nạp thêm tiền vào và tiếp tục sai nữa. Cứ như vậy, muốn lấy lại tiền, bạn phải nạp tiền để bù lỗi mỗi đơn theo giá trị tăng dần. Đến lúc con mồi hết sạch tiền, chúng vẫn chưa thôi, tiếp tục dụ nạn nhân đi vay tiền, cầm cố tài sản để lấy lại tiền gốc...
Hong Van
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.