Đọc bài viết "Xóm tôi 'lạm phát' bỏ vợ, bỏ chồng trước tuổi 35" cùng những so sánh của tác giả về những khác biệt trong quan điểm ly hôn của giới trẻ ngày nay với các thế hệ lớn tuổi, tôi tự hỏi: đúng là ngày trước người ta ít ly hôn hơn, nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc họ sống hạnh phúc hơn bây giờ hơn không?
Tôi cho rằng, ngày xưa người ta quá khó có cơ hội để sửa sai sau khi kết hôn, do định kiến xã hội, áp lực gia đình, tài sản cũng chẳng có để mà chia và sống độc lập được... Thế nên, hôn nhân ngày ấy dù có sai bét, khổ sở trầm luân thế nào, người ta vẫn cứ cắn răng chịu đựng.
Trong khi đó, bây giờ hoàn cảnh kinh tế, xã hội, dân trí đã khác nhiều. Việc ly hôn giờ không còn phải chịu định kiến quá lớn như trước. Người ta có thể dễ dàng đi thêm bước nữa sau khi bỏ vợ, bỏ chồng. Ngoài ra, ngày nay vợ chồng kinh tế độc lập, ai cũng có sự nghiệp riêng để tự lo cho bản thân mình mà không cần dựa dẫm. Vì thế, không lý gì người trẻ phải chịu đựng đến chết trong một một cuộc hôn nhân đã nguội lạnh, suốt ngày cãi vã, hay thậm chí là cả bạo hành.
Còn nếu bảo "ngày xưa người ta tìm hiểu nhau kỹ rồi mới cưới nên khi về chung một nhà ít bị vỡ mộng" theo tôi là không đúng. Thời các cụ làm gì có cơ hội mà tìm hiểu đối phương, thậm chí người ta còn chẳng có yêu đương gì nhau, vì tất cả đều được cha mẹ hai bên giới thiệu, cho gặp mặt vài lần rồi định sẵn là kết hôn. Có khi cưới nhau về rồi, vì quá xa lạ nên phải chán chê mới ngủ với nhau như vợ chồng.
>> Bạn mời cưới tôi bốn lần trong 10 năm
Theo tôi, vợ chồng là mối quan hệ khó khăn, phức tạp nhất của loài người: hai người không cùng huyết thống nhưng lại chia sẻ, ràng buộc với nhau quá nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ; lại sống cạnh nhau, va chạm mỗi ngày, nhiều hơn bất cứ mối quan hệ nào khác, nên việc gặp trục trặc, mâu thuẫn, xung đột cũng là điều dễ hiểu. Tình bạn có thể nay chơi, mai nghỉ. Nhưng phức tạp như hôn nhân đến lúc mục rữa mà không được "bo-xì-bo" nhau thì sao mà sống tiếp?
Hôn nhân mà không trên tinh thần tự nguyện từ cả hai phía là cầm chắc thất bại. Nên đừng để ai ép mình, và cũng đừng để mình vào thế bị ép vì bất cứ lý do gì. Để đi được với nhau đến cuối đường thì ý muốn của người này phải tương đồng với ý muốn của người kia. Có câu thơ nổi tiếng: "Anh ngủ tiếp đi, em phải dậy lấy chồng" diễn tả sự mong muốn lệch pha của hai người trong tình yêu. Anh chỉ muốn "ngủ", còn em thì đã muốn "lấy chồng", nên đương nhiên không thể tiếp tục là một đôi nữa.
Tóm lại, tình yêu, và đặc biệt hôn nhân là những sự lắp ghép. Nếu hai mảnh ghép vừa vặn thì sẽ gắn kết, bền chặt. Còn nếu đã không vừa, mà có cố sửa mãi vẫn không được, không khớp, thì tốt nhất là nên bung ra mà tìm mảnh ghép khác phù hợp hơn với mỗi người. Cố gắng chịu đựng, chấp nhận sự lệch pha càng lâu sẽ chỉ càng gây thêm tổn thương và bất hạnh.
- Tôi thà ly hôn chứ không chịu sống chung với mẹ chồng cay nghiệt
- Mang tiếng ích kỷ vì bỏ chồng khi con mới hai tuổi
- Yêu nhau say đắm từ thời sinh viên, bỗng ly hôn
- Tôi mệt mỏi vì bố mẹ không dám ly hôn
- Ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con?
- Cưới đại rồi không dám ly hôn vì sợ bị đánh giá