Nhận được thiệp của một người bạn, mời đến dự tiệc cưới lần thứ tư của cậu, khiến tôi giật mình và đặt ra câu hỏi tại sao ngày nay nhiều người cưới rồi chia tay lại dễ dàng và chóng vánh đến như vậy? Chỉ trong vòng 10 năm mà cậu bạn của tôi đã cưới đến bốn lần vợ.
Vì là chỗ thân tình nên tôi bắt buộc phải đến dự tiệc cưới. Nhưng thú thật, cứ mỗi lần chứng kiến một buổi lễ kết hôn của bạn, tôi lại cảm thấy lo lắng cho tương lai của mối quan hệ ấy. Liệu đây đã là điểm dừng cuối cùng hay vẫn là một chương tiếp theo trong câu chuyện đầy bi kịch của tình yêu?
Ngày nay, tôi thấy nhiều cặp đôi cảm thấy áp lực từ bạn bè, gia đình mà kết hôn vội vàng, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng hoặc chưa tìm hiểu kỹ càng về đối phương. Rất nhiều cặp đôi cưới nhau cũng chỉ vì thường bị thúc giục bởi người thân, bạn bè hoặc sợ những tiêu chuẩn của xã hội, dẫn đến việc bước vào hôn nhân mà không có sự chuẩn bị cần thiết. Đến khi thực sự về chung một nhà, họ mới nhận ra rằng mình không thực sự phù hợp với người bạn đời còn lại.
Bên cạnh đó, trước khi đến với hôn nhân, rất nhiều cặp vợ chồng Việt trẻ không được trang bị kỹ năng giải quyết xung đột hoặc giao tiếp hiệu quả, khiến cho những vấn đề nhỏ tích tụ thành những rạn nứt lớn. Đơn giản như những va chạm, xung đột nhỏ về giờ giấc sinh hoạt, việc vợ thích ăn món này, chồng không thích món kia, ông bà sau khi quét nhà không rửa tay mà lại bế cháu luôn, con dâu mặc váy quá ngắn, mẹ chồng chăm cháu nhưng để cháu nghịch bẩn, hay đi làm về không chào bố mẹ trước mà ùa vào ôm lấy con cái cũng làm mẹ chồng bực bội...
Cứ thế, những mâu thuẫn lặt vặt lâu ngày không được giải quyết, và tích tụ lại đến lúc không kìm nén được, cuối cùng là họ dẫn nhau ra tòa. Những va chạm này, thay vì tâm sự, chia sẻ, giải bày và tìm cách giải quyết, người trẻ lại thường chọn cách im lặng hoặc sẵn sàng buông bỏ.
>> Cả nhà nói tôi quá đáng vì ép em gái ly hôn chồng nghiện cờ bạc
Giới trẻ hiện nay có xu hướng nhìn nhận tình yêu và hôn nhân như những lựa chọn linh hoạt hơn. Họ không còn coi hôn nhân là một cam kết vĩnh viễn mà xem đó như một trải nghiệm. Khi gặp khó khăn, thay vì cố gắng tìm cách giải quyết, họ thường dễ dàng nói ra câu nói "không hợp thì nên chia tay".
Họ sống trong một thế giới đa dạng về tư tưởng và giá trị. Những quan điểm khác nhau về tình yêu, sự nghiệp, và vai trò của gia đình có thể dẫn đến xung đột trong mối quan hệ. Khi không còn đồng điệu trong suy nghĩ, nhiều cặp đôi quyết định chia tay để tìm kiếm hạnh phúc mới.
Hoặc khi tình hình kinh tế khó khăn, áp lực công việc và những kỳ vọng từ gia đình có thể làm tăng thêm stress cho các cặp đôi. Khi không thể chịu đựng được áp lực, nhiều người chọn giải pháp ly hôn như một cách để giải thoát khỏi những gánh nặng tâm lý.
Ly hôn không chỉ là sự chấm dứt một mối quan hệ, mà còn có thể để lại những vết thương tâm lý sâu sắc. Nhiều người trẻ phải đối mặt với cảm giác cô đơn, mất mát, và thất bại, nhất là đối với trẻ con sẽ tạo ra tâm lý cho trẻ em cảm thấy bị bỏ rơi, bất an, và gặp khó khăn trong việc thích nghi với sự thay đổi trong chia cắt, ly tán gia đình bây lâu nay.
Trong xã hội hiện đại, việc hôn nhân không còn được coi là một hình thức bất di bất dịch. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay chọn cách "không hợp thì giải tán" như một lựa chọn hợp lý thay vì cố gắng giữ gìn mối quan hệ.
Từ một khía cạnh tích cực, sự gia tăng tỷ lệ ly hôn và việc các cặp đôi quyết định chia tay sớm có thể phản ánh sự tiến bộ trong nhận thức về quyền tự do cá nhân. Người ta ngày càng hiểu rằng hôn nhân không phải là một nghĩa vụ mà là một sự lựa chọn, và nếu mối quan hệ không còn đem lại hạnh phúc hay sự phát triển cá nhân, việc chia tay có thể được coi là một hành động tự chăm sóc bản thân.
Nền tảng của hôn nhân trong xã hội hiện đại ngày nay thường được xây dựng dựa trên tình yêu, sự tôn trọng và sự hỗ trợ lẫn nhau. Các cặp đôi thường tìm kiếm sự đồng điệu trong nhiều khía cạnh của cuộc sống như giá trị, mục tiêu, và lối sống. Nếu không tìm thấy sự hòa hợp, việc dừng lại có thể giúp cả hai tìm kiếm những cơ hội mới và tốt hơn cho bản thân.
Tuy nhiên, việc dễ dàng ly hôn cũng đặt ra nhiều thách thức cho hôn nhân. Trong khi việc kết thúc một mối quan hệ không hạnh phúc có thể là cần thiết, nó cũng có thể tạo ra một cái nhìn bi quan về hôn nhân.
Để xây dựng một nền tảng hôn nhân vững chắc, có lẽ cần có sự kết hợp giữa việc tôn trọng quyền tự do cá nhân, sự cam kết, lòng kiên nhẫn và khả năng giải quyết xung đột. Hôn nhân không chỉ là về tình yêu, mà còn là về sự hợp tác và xây dựng.
- Tôi mệt mỏi vì bố mẹ không dám ly hôn
- Ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con?
- Cưới đại rồi không dám ly hôn vì sợ bị đánh giá
- Bản lĩnh ly hôn vì con
- Ly hôn có phải ích kỷ với con cái?
- Đắn đo ly hôn ở tuổi 45 khi phát hiện chồng ngoại tình