Ở Việt Nam, mỗi năm có tới khoảng 60.000 vụ ly hôn, có nghĩa cứ bốn đôi đăng ký kết hôn có một đôi ra tòa. Điều đó đồng nghĩa hàng nghìn đứa trẻ chỉ được sống cùng cha hoặc cùng mẹ hay sống với người thân, thậm chí bị đẩy ra đường. Theo kết luận trong một nghiên cứu ở Mỹ, những người lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn có xu hướng gặp khó khăn với các mối quan hệ, khó thân thiết với người khác khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn. Vậy con hỏi đặt ra là khi hôn nhân không hạnh phúc, ly hôn có phải một quyết định sáng suốt?
Không ủng hộ giải pháp ly hôn, độc giả Thai Binh lấy dẫn chứng từ chính câu chuyện của mình: "Là một người thất bại trong hôn nhân, sau ly hôn, tôi cứ nghĩ sẽ cố đi làm kiếm tiền để gửi về, lo cho các con là được. Thế nhưng, theo dòng đời mưu sinh, tôi chợt nhận ra mình chưa hiểu được hết các con mình. Chưa bao giờ tôi chủ động gọi cho các con, hỏi các con cần gì? Chưa bao giờ tôi suy nghĩ ở vị trí các con, những lần gặp cũng chỉ là vội đến, vội đi. Cho dù sau cuộc hôn nhân ai đúng ai sai đi nữa, thì người đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ vô tội mà thôi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Kiên Phạm Thành nhấn mạnh: "Khi ly hôn, nạn nhân chịu nhiều nỗi khổ nhất lại chính là con cái - các sản phẩm của tình yêu - khi bị mất đi sự yêu thương, chăm lo của cha hay mẹ - thậm chí là của cả hai. Khổ hơn nữa khi nhiều bậc cha mẹ nhân danh tình thương yêu để lấy con cái ra làm cái cớ cho việc tranh giành, nói xấu nhau, lôi kéo con cái để cô lập người còn lại. Sự thật ngoài đời còn phũ phàng hơn khi nhiều cháu đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội, bế tắc trong cuộc sống, trầm cảm, tới tự làm mình bị thương, thậm chí tự tử. Thật buồn là nỗi đau đó không hề cá biệt và các hồ sơ các vụ ly hôn vẫn cứ dày lên mỗi ngày".
Cho rằng việc giải quyết mâu thuẫn, nhẫn nhịn giữa vợ chồng tốt hơn ly hôn, độc giả Trần Văn bình luận: "Cuộc sống hôn nhân không ai hoàn hảo cả. Nếu đã quyết định yêu và sống cùng nhau, mỗi người nên cố gắng nhịn một chút để giải quyết khó khăn, có thể bằng cách ngồi lại nói chuyện với nhau. Sẽ có lúc gia đình bạn không hạnh phúc và bản thân bạn muốn làm mẹ đơn thân, nhưng xin đừng chỉ suy nghĩ cho bản thân mình mà quên tính đến các tác động tiêu cực đến con cái và gia đình của mình.
Dù sống đơn thân cho phép bạn làm theo ý muốn, nhưng khi bạn già, con cái cũng sẽ có cuộc sống riêng của chúng, bạn sẽ thấy cái giá phải trả vì ly hôn. Tôi thấy rất nhiều người khuyên người khác ly hôn chỉ vì một vài vấn đề mâu thuẫn, đó không phải là giải pháp tốt nhất. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của mình để gia đình có thể vượt qua khó khăn, và người lớn đừng chỉ nghĩ cho riêng mình".
>> Ly hôn có phải ích kỷ với con cái?
Thực tế, một số cha mẹ thường cố gắng duy trì cuộc hôn nhân không tình yêu vì lợi ích của con cái. Họ chờ cho đến khi các con vào đại học, học xong đại học hoặc đã trở nên độc lập mới tính đến chuyện đường ai nấy đi. Thế nhưng, khi đứa trẻ phải chứng kiến cha mẹ đánh nhau, cãi nhau hàng ngày, nhưng tổn thương về mặt tâm lý cũng dần hình thành và hệ quả có thể còn tồi tệ hơn khi bố mẹ chia tay sớm.
Bạn đọc Gia Sư nhận định: "Những đứa trẻ không phải nạn nhân của ly hôn mà là của những người cha, người mẹ vô trách nhiệm, chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân mà bỏ mặc con cái. Ly hôn thực ra không xấu, quan trong là cách mỗi người ứng xử và trách nhiệm sau ly hôn. Đúng là những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình hạnh phúc có một sự tự tin mà những đứa trẻ khác không có được. Nhưng chính chúng lại là những đứa dễ bị tác động tiêu cực khi đi ra ngoài xã hội, đối mặt với một thế giới với muôn vàn bộ mặt.
Nếu không còn hạnh phúc, tôi khuyên các bạn hãy mạnh mẽ bước ra khỏi hôn nhân và cho đứa con thấy rằng, dù sống trong gia đình không có đủ bố mẹ, nó vẫn có đủ tình yêu thương và được giáo dục tốt".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Vo Thuong kết lại: "Bản chất ly hôn không xấu. Tôi không ủng hộ chuyện này, nhưng khi người phụ nữ buộc phải chọn con đường đó để giải thoát chính mình thì tôi hoàn toàn nhất trí. Ly hôn còn tốt hơn cam chịu sống với nhau, rồi bao nhiêu bức bối lại trút hết lên đầu con trẻ theo kiểu giận cá chém thớt.
Chưa kể, sống trong cảnh không hạnh phúc, con trẻ sẽ phải chứng kiến ba mẹ tác động vật lý với nhau hoặc buông những lời lẽ xúc phạm nhau, như vậy hậu quả còn nặng nề hơn nữa".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.