Tôi lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ luôn khắc khẩu với nhau. Bản thân tôi tự thấy bố mẹ mình không có điểm nào hợp nhau. Nhưng họ vẫn chọn sống chung với lý do "để cho con cái có gia đình đầy đủ bố mẹ". Họ đâu biết tôi ghét đến nhường nào việc sống cùng và phải lắng nghe bố mẹ cãi vã mỗi ngày. Tôi đã nhiều lần mong bố mẹ ly hôn, để cả tôi và họ đều có thể thoát khỏi mớ hỗn độn này.
Không chỉ bố mẹ tôi mà còn rất nhiều cặp vợ chồng khác vẫn chọn sống chung mặc dù đã hết tình cảm, thậm chí là xảy ra mâu thuẫn gay gắt, vì họ muốn "sống với nhau vì con cái". Nhưng với những đứa trẻ, đôi khi việc bố mẹ ly hôn còn thoải mái hơn là phải chứng kiến những cuộc cãi vã của họ hàng ngày. Tôi nghĩ đã đến lúc chấp nhận một sự thật rằng: ly hôn là một sự giải thoát, cho bố mẹ và cho cả con cái.
Tôi hiểu được nỗi lo lắng của các vị phụ huynh khi cho rằng ly hôn sẽ khiến con của họ thiếu tình thương của bố hoặc mẹ. Tôi cũng đồng ý rằng con trẻ nên được nuôi dưỡng bởi cả hai người. Theo tôi, bố mẹ vẫn có thể cùng nhau chung sống, nuôi con cho đến khi con có đủ nhận thức. Bởi khi này, trẻ đã có khả năng nhận ra được mâu thuẫn giữa bố và mẹ. Khi đứa trẻ phải chứng kiến bố mẹ đánh, cãi nhau hàng ngày, những tổn thương về mặt tâm lý sẽ hình thành và thậm chí còn có tác động mạnh mẽ hơn cả việc bố mẹ chia tay.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy, những căng thẳng liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình có thể làm suy giảm khả năng nhận thức của trẻ. Các chuyên gia nhận thấy rằng, khi cha mẹ xung đột thường xuyên, trẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc điều khiến sự chú ý và cảm xúc của mình. Khả năng tự giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng cũng dần biến mất.
Nhiều người đang cố tình đánh tráo khái niệm: gia đình hạnh phúc tức là gia đình có đầy đủ bố, mẹ, con cái. Khi tiếp xúc với tư tưởng đó trong thời gian dài, định nghĩa về gia đình hạnh phúc của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ nghĩ việc bố mẹ cãi nhau trước mặt con cái là bình thường, cãi nhau bao nhiêu cũng được, tổn thương nhau thế nào cũng được, miễn là còn chung một nhà thì còn hạnh phúc.
Lại có ý kiến cho rằng gia đình có đủ bố và mẹ là một môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển. Và họ cứ lấy lý do "vì con cái" ra để nhẫn nhịn, để giam cầm nhau trong những cuộc cãi vã, để bao biện cho hành vi làm tổn thương tâm lý con cái. Nhưng liệu môi trường ấy có lành mạnh không, những đứa trẻ ấy có phát triển tốt không khi phải chứng kiến bố mẹ đánh, cãi nhau mỗi ngày? Chắc chắn một điều rằng, cãi nhau trước mặt con không thể tạo nên đứa trẻ hạnh phúc.
>> Ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con?
Chú và dì tôi ly hôn khi con họ mới học lớp 5. Người lớn trong nhà sợ tinh thần em bị ảnh hưởng nên cố an ủi, động viên rất nhiều. Khi tôi trò chuyện với em, con bé nói: "Bố mẹ em cãi nhau lâu rồi, bố còn đánh mẹ cơ. Giờ bố mẹ ly hôn thì mẹ sẽ không bị đánh nữa, em cũng không phải nghe hai người cãi nhau nữa. Em không thấy buồn đâu". Tôi giật mình bởi sự chín chắn trước tuổi của em. Để một đứa trẻ 10 có thái độ bình tĩnh đến đau lòng như vậy khi chứng kiến bố mẹ ly hôn, hoàn toàn là trách nhiệm của người lớn.
Nhiều phụ huynh lo sợ trẻ có phản ứng tiêu cực sau khi bố mẹ ly hôn. Nhưng thực ra phản ứng của trẻ còn phụ thuộc vào cách giải thích, thái độ của bố mẹ. Phụ huynh cần giải thích cho con thế nào là gia đình hạnh phúc, thế nào là một mối quan hệ lành mạnh. Cần khẳng định với trẻ rằng, việc ly hôn không làm ảnh hưởng đến tình yêu của bố mẹ dành cho con. Họ vẫn có thể yêu thương con và sẽ cùng nhau chăm sóc con.
Việc ly hôn chắc chắn sẽ làm trẻ tổn thương, nhưng sự tổn thương ấy ít hay nhiều, có nguôi ngoai được không là phụ thuộc vào thái độ của bố mẹ. Nếu còn tranh chấp, còn thù hận, giằng xé thì còn tác động xấu tới con cái. Khi ly hôn tức là hai bên đã cho nhau một lối thoát. Lúc đó hãy giải thoát bản thân khỏi những nỗi buồn, sự giận dữ và thất vọng lúc còn ở bên nhau. Để đến lúc bước ra khỏi đời nhau, hai bên đều thấy nhẹ nhõm và có thể bước tiếp chặng đường phía trước.
Hãy cho con cái thấy bố mẹ hạnh phúc và vẫn tôn trọng nhau kể cả khi không còn chung một mái nhà. Khi đó trẻ sẽ thông cảm và hiểu cho quyết định của bố mẹ, hiểu được ý nghĩa của tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc. Đó cũng sẽ là bài học quý giá cho trẻ.
Nhưng nhiều phụ huynh sau ly dị lại không quan tâm hỏi han con cái, nghĩ chỉ cần chu cấp tiền cho con là xong. Hay có những phụ huynh đi bước nữa nhưng lại chọn phải đối tượng không đứng đắn, không phù hợp với con. Rồi họ cứ viện vào cái cớ ly hôn để bao biện cho việc mình không chăm sóc con đúng cách. Thực chất việc ly hôn không có lỗi, vấn đề nằm ở bản thân bố mẹ. Kết hôn hay ly hôn cũng đều là để hạnh phúc.
Tất nhiên, tôi không khuyến khích việc ly hôn. Nếu cảm thấy mối quan hệ này còn hy vọng thì hai người hãy cùng nhau giải quyết. Nhưng nếu không chịu đựng được nữa thì hãy buông bỏ. Không đứa trẻ nào muốn chứng kiến bố mẹ mình bất hòa. Việc bố mẹ ly hôn sẽ để lại vết sẹo lớn trong tim những đứa trẻ. Nhưng vết sẹo ấy có thể được chữa lành nếu người lớn có cách giải quyết đúng đắn. Còn mỗi cuộc cãi vã của bố mẹ sẽ hằn lên tim trẻ một vết xước lớn. Vết này chồng lên vết kia, rỉ máu và gây ám ảnh.
Ly hôn hay chung sống trong bất hòa, cách nào cũng khiến con cái tổn thương. Tuy vậy, hãy chọn cách ít gây tổn thương nhất có thể.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Ly hôn có phải ích kỷ với con cái?
- Cưới đại rồi không dám ly hôn vì sợ bị đánh giá
- Ly hôn không phải nguyên nhân bạo hành con cái
- Vợ chồng tôi hạnh phúc sau 18 năm lập 'hợp đồng tiền hôn nhân'
- Vợ chồng 18 năm chưa cãi nhau lần nào