Hiện nay, không có quy định nào bắt buộc công ty phải tăng lương hằng năm cho nhân viên. Việc có tăng lương hay không, tăng vào thời điểm nào, sẽ được các bên căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế riêng do người sử dụng lao động ban hành. Ngoài mức lương tối thiểu vùng, đa phần các khoản phụ cấp khác đều không có cập nhật con số cụ thể. Điều đó có nghĩa rằng nó có thể nằm trong chính hợp đồng mà người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tính toán cho từng khoản bao nhiêu trong khả năng có lời tốt nhất của mình.
Có thể nhiều người lập luận rằng, mức lương tối thiểu hiện tại đã đủ để phục vụ nhu cầu sống cơ bản của một người lao động rồi. Điều đó chúng ta không phản biện. Nhưng điều gì xảy ra nếu những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình lao động này không nằm trong tính toán của mức lương tối thiểu vùng. Những đứa trẻ này sống như thế nào? Liệu mẹ của những đứa trẻ này lấy mức lương nào để sống và nuôi con?
Việt Nam trong mắt các công ty sản xuất nước ngoài chính là một "thiên đường lao động" đúng nghĩa. Việt Nam ổn định, ít các ngày lễ nghỉ dài trong năm hơn một số nước Đông Nam Á khác, và đặc biệt là giá nhân công rất rẻ. Thuận lợi về mọi mặt nên phần lớn doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng di chuyển nhà máy tới, cho dù các báo cáo quốc tế có nói rằng năng suất lao động của người Việt thua hầu hết các nước trong khu vực và chỉ cao hơn Campuchia 1,6 lần. Nhưng với mức lương lao động ở Việt Nam, việc sản xuất kiểu gì cũng có lời trong nhiều năm.
>> 'Cạnh tranh nhân công giá rẻ khiến công nhân khó sống bằng lương'
Tuy nhiên, lương và phúc lợi lao động thấp này mới đủ thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó mới có việc làm (ưu tiên hàng đầu) để người dân có thể sống đầy đủ hơn lao động tự do. Mức lương tối thiểu của người lao động Việt hiện nay khá thấp. Cùng với mức tăng trưởng tiêu dùng của người dân Việt Nam hiện nay, mức điều chỉnh tăng lương và phúc lợi hiện tại gần như không theo kịp mức sống và tốc độ phát triển kinh tế.
Đất nước ta có quá nhiều lợi thế trong lao động và bây giờ chính là lúc hướng tới mục tiêu bền vững xa hơn như chất lượng cuộc sống. Giảm giờ làm luôn đi đôi với tăng năng suất (các thống kê báo cáo quốc tế đều phân tích rõ điều này), tăng các phúc lợi đi kèm. Tối thiểu hai ngày nghỉ trong tuần thì nền kinh tế dịch vụ mới có cơ hội phát triển bền vững hơn làm đa dạng nền kinh tế của đất nước như ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải...
Có một câu chuyện khá thú vị là ở một huyện nọ, có nhà máy hàng chục ngàn công nhân (lao động phổ thông). Hoạt động dịch vụ vui chơi của huyện diễn ra huyên náo nhất vào ngày đầu tháng - chính là ngày phát lương của nhà máy, và giảm dần trong tuần đầu tiên có lương. Ba tuần còn lại ở đây thì cực kỳ ảm đạm.
Với tất cả các điều trên, người lao động thứ yếu, lao động phổ thông, lao động sản xuất luôn hy vọng và mong chờ sự thay đổi kịp thời, sự quyết liệt trong các điều chỉnh về chính sách lao động sắp tới của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động.
Chúng ta đều biết, trong các cuộc thương lượng về lương quan trọng hằng năm, người lao động luôn vấp phải sự phản kháng của các bên đại diện doanh nghiệp FDI. Chỉ khi tất cả đều vì mục tiêu phát triển bền vững, đa dạng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động yếu thế, lao động phổ thông, thì đời sống người lao động mới tốt hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.