Tại hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 27/11, ông Trần Diệp Tuấn cho biết việc xây dựng học phí phụ thuộc vào bốn yếu tố, gồm: Chi phí của trường đại học, nhu cầu của người học và xã hội, lạm phát, sự thay đổi theo chính sách của Chính phủ.
Dựa theo các yếu tố và trên cơ sở pháp lý, Đại học Y Dược TP HCM tính phương án thu học phí cho sinh viên trúng tuyển năm 2020 với mức bình quân hơn 48 triệu đồng. Ngành Y khoa cao nhất, với chi phí đào tạo một sinh viên trong một năm là 71,8 triệu đồng (chưa tính phần bao cấp), trường thu học phí 68 triệu đồng, tức khoảng 6,8 triệu một tháng,
"Nếu so với một trường mẫu giáo khá khá một chút ở TP HCM, mức thu trên không cao", ông Tuấn nói. Với mức học phí này, Đại học Y Dược TP HCM cam kết chất lượng đào tạo "tốt nhất của khối ngành sức khỏe" do đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo mới dựa trên chuẩn năng lực và đội ngũ giảng viên hàng đầu.
Chẳng hạn về đầu tư trang thiết bị, trường xây dựng phòng học thông minh phù hợp cho dạy và học theo nhóm nhỏ, các phòng thí nghiệm đều có máy móc thiết bị phù hợp, mỗi sinh viên Răng Hàm Mặt được thực hành riêng trên các mô hình và trên một ghế nha khoa.
Lúc thông báo tăng học phí bị phản ứng mạnh, nhưng với những cam kết trên, Đại học Y Dược TP HCM vẫn tuyển được hơn 104% so với chỉ tiêu. Chỉ 202 sinh viên khó khăn nộp đơn xin học bổng hỗ trợ trong khi trường có tới 800 suất. Ông Tuấn cho đây là minh chứng cho thấy dư luận xã hội chấp nhận được mức học phí đó và một lần nữa khẳng định học phí đào tạo Y khoa ở Việt Nam "không cao".
Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP HCM cũng lấy dẫn dứng cho thấy học phí của trường thấp hơn nhiều so với các trường tư thục trong nước. Còn so với các trường đại học thế giới, mức thu học phí của trường lại càng không cao. Chẳng hạn ở Đông Nam Á, học phí đào tạo Y khoa các trường công lập từ 8.800 đến 35.000 USD, tư thục là 50.000-60.000 USD. Ở Mỹ, trường công lập là 37.500-62.000 và tư thục 60.600-62.000 USD.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng học phí dù cao hay thấp cũng không đủ để đảm bảo kinh phí đào tạo. Các trường công lập vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và nhiều nguồn thu khác. Chẳng hạn Đại học Tokyo, trường công lập số 1 của Nhật Bản, nguồn thu học phí rất ít, nguồn thu khác nhiều. Ngay cả Đại học Stanford hay Harvard, học phí cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% chi phí đào tạo và đều cần các nguồn thu khác. Với hệ thống Đại học California (UC) của Mỹ, kinh phí hoạt động năm 2019-2020 là 39,8 tỷ USD, học phí chiếm tỷ lệ rất nhỏ, các nguồn khác và ngân sách nhà nước vẫn rất quan trọng.
Trước đó, khi công bố đề án tuyển sinh hồi đầu tháng 6 với mức học phí dự kiến tăng 2-5 lần so với năm học 2019-2020, Đại học Y Dược TP HCM khiến nhiều phụ huynh, sinh viên sửng sốt. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học khối Y Dược lại cho rằng việc tăng học phí là cần thiết, đặc biệt khi các trường tự chủ. Hơn nữa, chi phí đào tạo ngành Y cao nhất trong các ngành.
PGS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, từng chia sẻ: "Tôi muốn phụ huynh và học sinh hiểu rằng việc đóng học phí là đầu tư cho chính mình. Cái mọi người cần quan tâm không chỉ đơn thuần là học phí cao hay thấp mà nên xem các nhà trường quản lý số tiền đó như thế nào để người học được hưởng lợi nhiều nhất".