Thời gian gần đây, tình trạng cuộc gọi lừa đảo tấn công người dùng Việt diễn ra ngày một phức tạp về số lượng cũng như tính chất nguy hiểm của nó. Một điểm chung là các cuộc gọi lừa đảo như thế này hầu hết đều xuất phát từ các số điện thoại trong nước, chuyển tiền đến tài khoản trong nước, nhưng là tài khoản rác, sử dụng thông tin giả.
Đánh giá nguyên nhân của tình trạng cuộc gọi lừa đảo lộng hành thời gian qua, độc giả Minh Do cho rằng: "Tài khoản ngân hàng phải chính chủ mới mở được nhưng mở xong thì lại thoải máy bán lại. Người mua chỉ cần cài app là sử dụng online nên không thể đối chiếu. Dù có lần ra được chủ tài khoản thì họ cũng không biết gì, nên rất khó xử lý.
Tuy nhiên, tôi cho rằng sim rác mới là quan trọng. Không có sim rác thì sẽ hạn chế rất nhiều cuộc gọi lừa đảo. Chỉ khi nào quản lý được thuê bao thì chúng ta mới chấm dứt được sim rác. Ban đầu chỉ có sim trả sau nên người dùng sử dụng rất kỹ. Nay có sim trả trước, hết tiền là hết nghĩa vụ, nên kẻ xấu dễ dàng lợi dụng để dùng làm sim rác. Nhà mạng cần phải chịu trách nhiệm liên đới nếu không cung cấp chính xác thông tin thuê bao cho công an".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn cho rằng cần quy trách nhiệm cho các nhà mạng vì không quản lý được sim rác: "Đã biết là sim được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và có thể sử dụng ngay sau khi mua mà không cần đăng ký với nhà mạng; đã biết mấu chốt của vấn đề sim rác gọi lừa đảo thế này rồi, tại sao không khắc phục được nhỉ? Các nhà mạng cần phải thay đổi phương thức phát hành và sử dụng sim trả trước, chứ để mãi thế này chẳng khác gì tạo kẽ hở cho bọn tội phạm lợi dụng, rất thiếu trách nhiệm".
"Tôi vừa ra đăng ký sim cho cá nhân. Theo quy định mỗi người chỉ được sở hữu ba sim đăng ký chính chủ, nhưng khi nhân viên hãng kiểm tra thông tin của tôi thì thấy đã có đăng ký đủ số lượng rồi, trong khi hiện tôi mới chỉ có một sim. Nhân viên hãng nói rằng, nếu tôi đăng ký thuê bao trả sau thì mới khóa bớt hai sim kia đi, còn nếu tôi đăng ký sim trả trước thì coi như sim tôi vừa mua vẫn là sim rác. Và hai sim kia vẫn được phép tồn tại. Tôi không hiểu với quy trình như vậy thì các nhà mạng sẽ quản lý sim rác và ngăn chặn lừa đảo thế nào?", độc giả Pcchauthanh bức xúc.
>> Màn tra tấn tinh thần từ những cuộc gọi đòi nợ cả ngày lẫn đêm
Tại cuộc họp công bố việc xử phạt các nhà mạng vì sim rác hồi tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận sim rác đang bị lợi dụng để phát tán tin nhắn, thực hiện cuộc gọi rác, quấy rối, lừa đảo. Thế nhưng, dù Bộ đã phạt bảy nhà mạng và 39 điểm bán với số tiền gần ba tỷ đồng, tình trạng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Bạn đọc Dung Huynh Sy gợi ý giải pháp để quản lý tài khoản ngân hàng và sim điện thoại: "Lừa đảo nhằm mục đích cuối cùng để lấy tiền, tài sản của người khác, vậy nên việc đầu tiên chúng ta cần làm là yêu cầu ngân hàng, nhà mạng ra thông báo cấm tuyệt đối việc mua bán chuyển đổi ngân hàng từ người này sang người khác. Nếu giao dịch chuyển khoản online thì việc xác nhận sẽ kết hợp với mã gửi về điện thoại của chủ tài khoản. Nói chung, phía ngân hàng và nhà mạng viễn thông cần phải kết nối dữ liệu chính xác với nhau và chỉ có chính chủ mới có thể giao dịch được.
Không thể để việc mua bán tài khoản diễn ra như ngoài chợ trời giống hiện nay được. Việc mua bán này nếu bị phát hiện thì hai bên cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải xử nghiêm chứ không thể để nhân viên ngân hàng chạy chỉ tiêu mở thẻ nên cứ mở đại, mở bừa, làm bao nhiêu người liên lụy vì trò lừa đảo này.
Thỉnh thoảng, ngân hàng và nhà mạng cũng nên bốc ngẫu nhiên số điện thoại cũng như tài khoản ngân hàng nghi ngờ giao dịch để xác minh. Việc này nên duy trì để dần dần trở thành hoạt động thường xuyên. Làm được vậy thì nếu có lừa đảo diễn ra, phía công an cũng có thể nhanh chóng tìm ra dấu vết và ngăn chặn ngay".
Trong khi đó, độc giả Hùng Văn Vũ lấy dẫn chứng từ kinh nghiệm quản lý tài khoản, thuê bao ở Nhật: "Muốn giải quyết vấn đề này triệt để thì chỉ có phía ngân hàng và nhà mạng phải quản lý nghiêm túc. Điển hình như ở Nhật Bản, muốn có số điện thoại sử dụng, người dùng phải xét duyệt rất kỹ các thông tin cá nhân cũng như lý lịch xem có nợ mạng điện thoại nào khác hay không? Mỗi người cũng chỉ được phép đăng ký một số điện thoại duy nhất ở một nhà mạng. Trường hợp đăng ký nhiều số sẽ là kinh doanh hoặc dịch vụ.
Về tài khoản ngân hàng cũng vậy, nếu muốn đăng ký mở tài khoản mới thì bạn phải đích danh làm thủ tục, không được đăng ký online. Hàng năm, bạn còn phải cập nhật thông tin cá nhân lại trên hệ thống để duy trì tài khoản. Khi người đăng ký bán thông tin tài khoản ngân hàng cũng như số điện thoại cho người khác thì mọi hậu quả người đăng ký trên hệ thống sẽ phải chịu trách nhiệm hết trước pháp luật. Bản chất của vấn đề này thực ra rất đơn giản, không cho làm sim rác và tài khoản ngân hàng phải xác thực đích danh, vậy thôi".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.