Theo quy định mới đang được lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đề xuất chỉ phong toả một phần hoặc toàn bộ tài khoản thanh toán người nhận khi do lỗi chủ quan của ngân hàng hoặc của bên cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhiều độc giả VnExpress cho rằng, việc phong tỏa tài khoản người nhận tiền chuyển nhầm có thể kéo theo nhiều hệ lụy:
Lúc chuyển, ngân hàng đã cho bạn các hình thức bảo mật nhiều lớp (OTP, mã bí mật, vân tay, mật khẩu) và chính chủ tài khoản là người đồng ý chuyển. Do đó, lỗi ở đây là ở người chuyển nhầm. Thứ hai, nếu thông qua việc đóng băng hoặc tự ý can thiệp vào tài khoản người nhận, thì liệu ai dám chắc sẽ không có kẻ gian lợi dụng điều này để lấy lại tiền sau giao dịch hoặc trộm cắp tiền trong tài khoản người khác? Về bản chất, tài khoản ngân hàng giống như cái két của bạn vậy. Nếu bạn không cho phép mà có người tự đến lục két nhà bạn, rồi lấy tiền đi chưa biết đúng sai thế nào là không ổn rồi.
Nếu mua hàng chuyển tiền xong rồi nói nhầm (do không muốn mua nữa); hay chuyển trả nợ cho người nhận, sau đó ghét không muốn trả nữa lại nói nhầm? Nếu cho ngân hàng tự do phong toả hay tự chuyển trả khi người chuyển báo nhầm thì sẽ xảy ra nhiều thứ phức tạp. Do đó, cứ giữ quy định như hiện nay là hợp lý. Mỗi người cần tự cẩn thận khi chuyển tiền. Nếu nhầm, ngân hàng có thể liên hệ người nhận để xin lại. Nếu tài khoản nhận không thiện chí hoàn lại thì phải báo cơ quan chức năng giải quyết.
Phải đặt ngược lại vấn đề trong trường hợp gian lận thương mại. Nếu người gian lận mua hàng và thanh toán qua chuyển khoản. Sau khi bên bán xác nhận đã nhận tiền và giao hàng, người mua gian lận sẽ báo ngân hàng là chuyển nhầm và đòi hoàn tiền thì sao? Trường hợp này, nếu luật cho phép ngân hàng phong toả tài khoản và tự động hoàn tiền thì sẽ rất ảnh hưởng đến người bán. Nếu các đối thủ cạnh tranh mà dùng chiêu này chơi bẩn lẫn nhau thì câu chuyện sẽ rất phức tạp.
Việc này cần thiết phải qua cơ quan công an hoặc toà án xử lý.
Nếu tôi chơi xấu người khác bằng cách cố tình chuyển tiền rồi báo chuyển nhầm thì có phải họ sẽ vướng vào rất nhiều phiền phức không đáng có không? Rồi khách hàng mua hàng xong, chơi xỏ người bán bằng cách báo chuyển nhầm, khoản tiền mua hàng sẽ bị đóng băng, giải quyết mất rất nhiều thời gian. Khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp này? Luật phải bảo vệ quyền tài sản, quyền riêng tư của mỗi người trước nhất. Bây giờ, chuyển khoản ngân hàng phải qua nhiều lớp bảo mật, chuyển khoản sai không hề dễ dàng, ai bất cẩn đến mức đó thì phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Ngân hàng không thể đứng về phía người làm sai.
Muốn phong tỏa tiền trong tài khoản của người khác thì phải có quyết định từ tòa án, kể cả ngành Công an cũng chỉ dừng lại ở mức đề nghị hỗ trợ. Mỗi ngày, có hàng chục triệu lệnh giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng. Một số tài khoản cá nhân buôn bán có thể nhận tiền từ hàng chục hàng trăm bạn hàng. Chỉ vì những sai sót rất chủ quan của số ít cá nhân người chuyển tiền mà động tý là đòi phong tỏa tài khoản người khác thì quả là vừa buồn cười vừa bực mình.
>> Ngân hàng chuyển nhầm tiền, sao khách hàng phải chịu hết trách nhiệm?
Luật như hiện tại là quá đúng rồi, lỗi chuyển tiền nhầm là do người gửi bất cẩn không rà soát số tài khoản nhận, tên người nhận nên mới bị nhầm. Ngân hàng không có trách nhiệm hoàn tiền lại, cũng như người nhận có quyền trả hoặc không trả lại tiền. Nếu thay đổi luật, cho phép ngân hàng chia sẻ thông tin của người nhận, hoặc tự ý hoàn tiền mà không có sự đồng ý của người gửi sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy kéo theo như có người lợi dụng điều đó để lừa đảo.
Theo tôi, phong tỏa tài khoản người nhận là không khả thi vì sẽ đóng băng luôn số tiền của người nhận có sẵn trong tài khoản. Giả sử họ có việc cần phải sử dụng tiền như trả viện phí, thanh toán đến hạn... lúc đó phải giải quyết như thế nào? Thứ hai, nếu số tiền chuyển nhầm rất nhỏ mà tài khoản nhận lại đang có số dư rất lớn thì sẽ xử lý như thế nào? Đây có thể trở thành phương thức cạnh tranh bẩn, cạnh tranh xấu trong kinh doanh. Thứ ba, xét cho cùng thì việc chuyển nhầm tiền là do lỗi của người chuyển, không thể bắt người khác chịu hậu quả mà không phải lỗi của họ (ở đây là chủ tài khoản nhận có thể bị phong tỏa tài khoản ảnh hưởng đến công việc của họ). Nên theo tôi, nếu không liên lạc được với người nhận hoặc người nhận không trả thì cứ trình báo công an.
Bạn chuyển nhầm cho tôi, tôi cần rút tiền, nhưng ngân hàng lại phong tỏa tài khoản của tôi. Vậy tôi tốn một mớ thời gian trong khi không phải lỗi của tôi sao? Ngân hàng nên nguyên cứu kỹ vấn đề này. Tôi nghĩ, chỉ nên phong tỏa số tiền chuyển nhầm thì hợp lý hơn. Tốt hơn hết, người chuyển tiền nên kiểm tra kỹ trước khi khớp lệnh chuyển. 5-7 triệu còn dễ xử lý, chứ 500-700 triệu đồng, trong khi người nhận ở nước ngoài thì lại càng rắc rối.
Khóa tài khoản hay khởi kiện đều không hợp lý, vì người nhận không chủ động nhận tiền. Lỡ người ta không biết trong tài khoản có bao nhiêu tiền, đi rút ATM hết, hay chuyển khoản cho người khác thì lúc đó xử lý thế nào? Theo tôi, người nhận không có trách nhiệm phải rõ ràng mọi khoản tiền chuyển đến, trách nhiệm đó thuộc về ngân hàng và người chuyển. Trừ khi, có quy định mỗi lần nhận tiền cần người nhận xác nhận thì lúc đó người nhận sẽ chịu trách nhiệm nhận tiền có nguồn gốc không rõ ràng và trong trường hợp này nếu không trả lại thì có thể truy tố.
>> Bạn có đồng tình với đề xuất phong tỏa tài khoản người nhận tiền chuyển nhầm? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.