Thời gian gần đây, hiện tượng tin nhắn rác, cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo liên tục tái diễn gây phiền toái cho các chủ thuê bao tại Việt Nam. Đặc biệt, những tin nhắn, cuộc gọi mang tính đa cấp, lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng ngày một gia tăng đã khiến nhiều người dùng hoang mang. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi rác ghi nhận được là hơn 74 triệu, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số thực sự lớn khi Việt Nam đang có khoảng 124 triệu thuê bao di động, đồng nghĩa với việc cứ trung bình hai sim di động sẽ chắc chắn nhận được một cuộc gọi rác.
Nói về trách nhiệm của nhà mạng trong việc để sim rác lộng hành tấn công người dùng, độc giả Ngoc Tin khẳng định: "Quản lý sim rác và thu hồi những sim không có thông tin thuê bao chính chủ, đặc biệt là hạn chế số lượng sở hữu để quản lý là trách nhiệm của các nhà mạng. Tôi chưa thấy nước nào mà sử dụng sim số tràn lan vô tội vạ như ở Việt Nam. Vấn đề này cấp thiết và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các nhà mạng nhưng đến giờ vẫn không thể kiểm soát được, vậy thì đừng nói đến chuyện quản lý an toàn mạng, chuyển đổi số hay hành chính 4.0 nữa, vì đa số sẽ dùng sim để xác nhận giao dịch. Càng nghĩ càng thấy khó hiểu khi tại sao các nhà mạng lại không chịu thực thi nghiêm việc hạn chế sim rác?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thehungdoan đặt dấu hỏi: "Tất cả các loại sim điện thoại đều do các nhà mạng phát hành và quản lý khi đăng ký. Vậy sim rác từ đâu mà có trên thị trường? Chính là các nhà mạng. Thử hỏi trách nhiệm quản lý người dùng của các nhà mạng hiện nay đang ở đâu, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước thế nào? Việc này cần phải làm rõ để ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác tra tấn người dùng, chứ không thể cứ nói suông mãi như vậy được".
Tình trạng bị quá nhiều cuộc gọi, tin nhắn rác khủng bố tinh thần mỗi ngày mà không bị xử lý, khiến nhiều người dùng buộc phải tự tìm cách cứu lấy mình, độc giả Nguyendotrung chia sẻ: "Đau lòng nhất là tôi phải gạt nước mắt, bỏ đi chiếc sim đã dùng hơn 12 năm của mình. Sau đó, tôi còn phải đi thay đổi số điện thoại liên kết với ngân hàng, Zalo, Facebook, các số liên lạc cũ, vì cuộc gọi rác. Ấy thế nhưng chiếc sim mới vừa xài được một tuần đã lại bắt đầu có vài tin nhắn, cuộc gọi rác rồi. Thật sự, bây giờ tôi đang rất nản. Hiện trạng đã xảy ra cả chục năm nay, không phải các nhà mạng không biết. Chỉ là họ có muốn giải quyết hay không mà thôi. Vì đó cũng là một phần doanh thu, lợi nhuận lớn của họ trong tình hình đa số người dùng chuyển sang sử dụng ứng dụng thay vì gọi điện trực tiếp. Và một điều nữa là thực trạng mua bán thông tin người dùng liệu khi nào mới có biện pháp ngăn chặn triệt để?".
>> 'Ba năm tôi chặn hơn 1.000 số điện thoại rác'
Trên thực tế, đã có nhiều biện pháp mạnh được đưa vào áp dụng từ quy định của pháp luật cho đến các giải pháp kỹ thuật cao nhằm triệt tiêu vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Có thể kể đến như Nghị định 91/2020/NĐ-CP về Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác hay vận hành tổng đài 5656 và thông qua website chongthurac.vn để tiếp nhận phản ánh từ người tiêu dùng... Tuy nhiên, vấn nạn này ngày càng diễn biến phức tạp và có tần suất cao hơn, làm ảnh hưởng tới việc bảo mật thông tin, gây mất thời gian và phiền toái đến người tiêu dùng.
Làm sao để triệt tiêu sim rác? Bạn đọc Iluxman nêu quan điểm: "Vừa rồi, tôi có mua điện thoại mới và được khuyến mãi thêm một sim 4G. Khi đăng ký, nhân viên của cửa hàng phải thao tác mấy lần mới kích hoạt được sim khuyến mãi: khai báo (Căn cước công dân), chụp hình, gọi video và yêu cầu tôi gỡ khẩu trang cho người "bên kia xem mặt". Phải mất ba lần như vậy, tôi mới kích hoạt được sim. Mất thời gian nhưng tôi nghĩ, nếu quản lý sim chặt như vậy thì cũng tốt vì đỡ được sim rác.
Nhưng sự thật không phải vậy, tần suất quấy rối của sim rác luôn ở mức độ cao, thậm chí còn có những số điện thoại gọi đến được thu âm sẵn bằng giọng nói. Nếu nhà mạng áp dụng các biện pháp đăng ký, quản lý chặt chẽ như lần tôi kích hoạt sim khuyến mại vừa rồi, thì tôi tin lượng sim rác sẽ không nhiều đến thế. Vậy vấn đề lại nảy sinh thêm một câu hỏi mới: các biện pháp kích hoạt sim như trên có tuyệt đối áp dụng cho tất cả các sim đăng ký mới? Nếu có thì liệu một cá nhân (đã có dữ liệu Căn cước công dân, hình chụp, video xác thực từ nhà mạng) có thể đăng ký sim mới bao nhiêu lần trong một tháng?
Cuối cùng, xin đại diện các nhà mạng đừng trả lời một câu vô cảm: "Quản lý không xuể". Quản lý không xuể nhưng vẫn bán tràn lan, và cứ tiếp tục trả lời quản lý như vậy, mặc cho nhiều người phải gánh chịu những hệ lụy sau đó. Như thế có phải quá vô trách nhiệm không?".
Cùng chung những hoài nghi về trách nhiệm quản lý của các nhà mạng trước tình trạng sim rác tràn lan, độc giả Dan kết lại: "Những cuộc gọi thoại thì nhà mạng đều tính được tiền rất chính xác, không những vậy họ còn lưu trữ được thông tin dữ liệu cuộc gọi nếu muốn. Do vậy, nhà mạng hiển nhiên lưu trữ được thông tin kết nối của tất cả các cuộc gọi và trích ra thông tin về địa chỉ và đường đi của cuộc gọi. Nên ở đây là do họ không muốn phải thường xuyên giám sát, xử lý hoặc chặn các sim rác mà thôi. Vì làm như vậy thì nhà mạng cũng mất một khoản lợi nhuận (cổng kết nối với dịch vụ quảng cáo hay làm phiền này cũng là một khách hàng).
Có người nói dùng app để qua mặt nhà mạng, nhưng bạn phải hiểu muốn gọi được giữa hai bên thì một là cả hai đều phải cài app đó; nếu chỉ một bên cài mà bên còn lại vẫn nghe được bình thường thì nó rơi vào dịch vụ do nhà mạng cung cấp kết nối. Trường hợp đó, nhà mạng đều nắm rõ thông tin kết nối, thời gian bao lâu, chất lượng như thế nào... nhưng có thể họ hạn chế việc chặn dịch vụ trừ khi bị ép buộc vì kiểu gì dịch vụ do bên thứ ba này cũng đem lại lợi nhuận cho nhà mạng.
Gọi qua app mà kết nối được như dịch vụ thoại thông thường thì chứng tỏ nhà mạng phải mở dịch vụ kết nối, họ phải có cách dò ra IP cổng dịch vụ thực hiện các cuộc gọi có liên quan đến kết nối đó tại thời điểm khách hàng báo cáo chứ không phải không làm được. Và trong khối dữ liệu liên quan đến IP đầu cuối ở khoảng thời gian đó, ở cổng dịch vụ đó, kiểu gì chẳng chứa những gói tin mang thông tin về số điện thoại chủ gọi. Khi đã xác định được chính xác IP cung cấp dịch vụ "khủng bố" điện thoại thì nhà mạng chỉ việc chặn lại. Nhà mạng hoàn toàn làm được phần mềm truy tìm đó, nhưng vấn đề là họ chưa làm hoặc không muốn làm mà thôi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.