Mới đây, Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Điểm mới của lần sửa đổi này là việc bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức phù hợp với giá thị trường. Một trong những vấn đề mấu chốt là quy định mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 2% giá trị chuyển nhượng vẫn được áp dụng nhiều năm qua. Đánh giá đây là một mức thuế khá cao, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, bỏ mức 2% thuế chuyển nhượng sẽ giúp đưa giá trị thực vào hợp đồng mua bán, là cách nhanh nhất để Nhà nước định giá đất sát giá thị trường.
Đồng tình với quan điểm "nên hạ thuế chuyển nhượng", độc giả Hienchu nhận định: "Bất động sản cũng là một loại hàng hóa, là tài sản đặc biệt, không thể cấm đoán giao dịch, mà nó phải tuân theo quy luật thị trường. Nhà nước tránh can thiệp sâu bằng hành chính mà nên tạo môi trường cho bất động sản phát triển ổn định, tránh đầu cơ quá mức. Để hạ giá nhà đất, có nhiều cách như lãi suất, kiểm soát dòng tiền... không thể để cho thị trường ách tắc được.
Tôi cho rằng, nên khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào thị trường cho thuê, càng nhiều, càng tốt. Khi đó, giá thuê sẽ giảm, chất lượng cũng tốt hơn. Nhà nước không thể gánh hết vai trò tạo ra các căn nhà ở xã hội được. Có nhiều chung cư xây xong, vị trí không phù hợp rồi cũng không ai đến ở, rất lãng phí. Thị trường là nơi quyết định cung cầu. Nên hạ thuế và cho giao dịch thoải mái mới tạo ra thị trường lành mạnh được. Mỗi nước có mức độ phát triển, nền văn hóa khác nhau nên không thể bê nguyên xi nước khác mà áp dụng".
Cùng chung ý kiến ủng hộ bỏ 2% thuế chuyển nhượng, bạn đọc Phạm Tiến Dũng phân tích: "Thay vì thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 2% giá trị chuyển nhượng đất, nhà nước có thể tăng thu thuế hằng năm đối với bất động sản thứ hai. Cụ thể, người sở hữu một nhà đất để ở không phải đóng thuế, còn người có nhiều nhà đất sẽ phải đóng thuế theo mức lũy tiến. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này, mang về rất nhiều lợi ích:
- Giá trị bất động sản sẽ đúng với thị trường.
- Nhà nước sẽ không bị thất thu thuế.
- Tránh nạn đầu cơ bất động sản, dẫn đến người giàu càng giàu thêm, người nghèo mãi không có tấc đất cắm dùi".
>> 'Ngăn đầu cơ đất không chỉ bằng thuế'
Lũy kế 8 tháng, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng là bất động sản đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tức trên 96% so với cùng kỳ 2021. Đầu tháng 9, trung bình giá chuyển nhượng khai cao hơn gần ba lần so với khung giá đất địa phương đưa ra. Theo quy định, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan liên quan (công an, thanh tra...) khó chứng minh hành vi gian lận, trốn thuế.
Cho rằng việc hạ thuế chuyển nhượng đất không giải quyết được gốc rễ vấn đề, độc giả Thuytien khẳng định: "Hạ thuế chuyển nhượng chỉ là xử lý phần ngọn thôi. Ở đây, vấn đề là giao dịch qua nhiều lần (đa cấp hàng hóa), giao dịch không nhất thiết với mọi mảnh đất mới bị đẩy giá, mà chỉ cần trong khu vực có giao dịch nhiều lần là đã làm cho sự so sánh của người có bất động sản nên người bán sau phải cao hơn người bán trước. Nhưng nguyên nhân của việc này lại là do không cấm đầu cơ tích trữ, găm hàng để tạo khan hiếm giả. Muốn ngăn nhưng không cấm việc này thì cứ đánh thuế lũy tiến khi sở hữu bất động sản thôi là xong ngay".
Nhấn mạnh việc hạ thuế chuyển nhượng đất khó giúp giải quyết thực trạng đất hai giá, bạn đọc Hồng Hà kết lại: "Dù có hạ xuống 0,5% hay 0,1% thì cũng chẳng bao giờ có giá trị thực được thể hiện trên hợp đồng chuyển nhượng cả. Nếu ngành thuế muốn thu, thì cần phải hạ thuế xuống còn 0,5% cho đến 1%, đồng thời yêu cầu phải có thẩm định giá của bên thứ ba được hai bên chấp thuận để làm cơ sở thu thuế.
Tuy vậy, nếu chưa bỏ được đơn giá đất thì cứ nên giữ như hiện tại, miễn hợp đồng chuyển nhượng ghi đơn giá cao hơn hoặc bằng là được, hoặc ngành thuế cứ căn cứ quy định trên đơn giá nhà nước mà áp đơn giá tính thuế bất kể hợp đồng chuyển nhượng ghi với giá nào.
Với những người đang mơ đất về giá trị thật, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Dù thị trường có đi xuống thì nhà đất vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người, vì giá cả do thị trường quyết định chứ không phải do các chính sách, chế tài của nhà nước. Cho nên, đừng bao giờ mơ đất ở vị trí đẹp, thuận tiện và sầm uất có giá rẻ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.