Sau đó, anh kỹ thuật viên khẳng định: "Điện thoại này bị hư, phải tới trạm bảo hành mới sửa được". Vấn đề là điện thoại của tôi còn mới. Anh xe ôm trên vỉa hè gần đó bảo tôi thử tắt nguồn điện thoại và mở lại xem. Tôi làm theo và không ngờ, thấy cột sóng lại hiện lên sừng sững.
Tôi nghĩ bụng "cũng may, chứ nếu tới tiệm sửa, không khéo họ biến lợn lành thành lợn què, rồi lại đòi thêm tiền thay thế linh kiện cũng nên". Tôi cứ thắc mắc, anh nhân viên trong siêu thị kia liệu đã qua trường lớp công nghệ nào chưa? Còn anh chạy xe ôm vỉa hè có phải là kỹ sư công nghệ? Tại sao họ không thế chỗ cho nhau?
Một câu chuyện khác. Nhà tôi có TV nhưng ít xem truyền hình mà chỉ xem phim Youtube. Một hôm, TV không vào được ứng dụng, tôi gọi nhân viên nhà mạng internet tới nhà kiểm tra. Người này nói với tôi "mạng vẫn tốt, có thể máy bị hư, anh nên gọi cho hãng TV, họ có thể ngồi tại văn phòng mà điều chỉnh được". Tôi cảm ơn rối rít và gửi anh ta ít tiền đổ xăng xe.
Tôi gọi tới hãng TV theo lời chỉ dẫn. Dĩ nhiên, họ không thể sửa từ xa nên lại cử nhân viên tới nhà tôi. Sau một hồi xem xét, người nhân viên khẳng định: "TV vẫn tốt, không có vấn đề gì, có thể mạng internet bị yếu". Vậy là rốt cục, tôi chẳng biết anh nào nói đúng, anh nào nói sai. Hoặc có thể cả hai đều không chuyên về điện tử, mà chuyên về điện lạnh hay điện cơ gì đó chăng?
>> Nhiều sinh viên mới ra trường chỉ giỏi 'lên mạng xã hội'
Lần khác, tôi tới một siêu thị điện máy có uy tín ở quận 1 để mua laptop, rồi nhờ nhân viên kỹ thuật ở đây cài đặt giúp vài ứng dụng văn phòng cơ bản: kiểu chữ, cỡ chữ và xóa bỏ chế độ tự động dò lỗi chính tả... Anh nhân viên mò mẫm mãi mà vẫn không ra và nói lại với tôi: "Cái này thuộc về tin học văn phòng". Tất nhiên tôi hiểu có thể anh ta chuyên về sửa nồi cơm điện hay bếp gas chứ không chuyên máy tính chăng? Cũng như tôi chuyên về văn thơ nên rất lơ mơ về cách tính bậc lương bảo hiểm và lãi suất ngân hàng. Về nhà, tôi hỏi Google và chỉ trong nháy mắt là cài đặt xong.
Một thời gian sau, máy tính của tôi lại bị lỗi. Tôi đi sửa phần mềm nhưng lại lạc vào tiệm chuyên sửa phần cứng. Anh kỹ thuật viên đánh phá máy tính của tôi tan tành, từ chỗ "có thể đi cà nhắc" chuyển sang "nằm đơ" luôn. Tôi năn nỉ khôi phục lại trạng thái máy như lúc mới mang máy đến, anh ta bó tay nhưng vẫn lấy tiền công phá đầy đủ. Vốn mang trái tim thỏ và không có năng khiếu cãi nên tôi đành ngậm đắng đi về. Từ đó, tôi luôn thắc mắc, không rõ suốt bốn năm học tin học, anh ta làm gì trước máy tính? Hay chỉ chơi game?
Tôi không hiểu được sự phân nhánh chằng chịt trong làng công nghệ. Nhưng tôi chỉ có một thắc mắc: Tại sao càng ngày tôi càng thấy chất lượng thợ sửa chữa đồ công nghệ kém đi? Những nhân viên công nghệ đó thường chỉ làm được những việc có sẵn, khi khách gặp tình huống phát sinh, họ lại không xử lý được.
Biết bao nhiêu sinh viên kỹ thuật mới ra trường thất nghiệp, trong khi đó những kỹ thuật viên này lại quá yếu chuyên môn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
TS. Phạm Ngọc Hiền