"Nên có quy định bắt buộc các tổ chức mái ấm tình thương, nuôi dạy trẻ phải có lắp đặt camera giám sát 24/24h và có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan chức năng. Các ban ngành có thẩm quyền cần được kiểm tra đột xuất kiểm, trích xuất dữ liệu trên camera để phục vụ quản lý".
Đó là quan điểm của độc giả Thanhnh sau vụ nhiều trẻ em ở 'mái ấm tình thương' Hoa Hồng bị bạo hành. Trước đó, điều tra của báo Thanh Niên phản ánh bảo mẫu tại đây chăm sóc hàng chục trẻ sơ sinh và dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, hàng đêm, các bé sơ sinh bị bảo mẫu tên Cẩm và Tuyền đánh, xách tay chân, ném, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp; có bé bị đánh chảy máu miệng...
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Nvsoai nhận định: "Tôi đề nghị các cơ sở muốn được cấp giấy phép nuôi dạy trẻ dù là của nhà nước, tư nhân hay các tổ chức từ thiện, đều phải trang bị camera có đường truyền trực tiếp về một cơ quan quản lý nào đó do chính quyền quy định. Làm được như vậy sẽ không còn nạn bạo hành trẻ em".
Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cấp chứng chỉ hành nghề với người trông giữ trẻ trong các cơ sở mái ấm tình thương, độc giả Justin Cheung nhận định: "Camera giám sát cũng có thể có lúc hư hỏng nếu như cơ sở mái ấm hoặc cơ quan chức năng không kiểm tra định kỳ. Thế nên, tôi đề xuất các cơ sở trông giữ trẻ phải có chứng chỉ đào tạo chuyên môn, đạo đức với nhân sự. Tránh tuyển người bừa bãi, không đảm bảo chuyên môn, đạo đức".
>> Tôi đóng vai đứa con hiếu thảo dù mấy chục năm bị bố bạo hành
Ủng hộ việc siết chặt quản lý các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, bạn đọc Phạm Văn Dũng bình luận: "Tôi đề nghị riêng nghề trông giữ trẻ trong các mái ấm tình thương phải có chứng chỉ hành nghề. Và để cấp chứng chỉ, người hành nghề cần phải vượt qua bài kiểm tra về tinh thần để đảm bảo không bị áp lực thần kinh quá mức, gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng chung nhận định, độc giả Giang Trung Nguyen đề xuất: "Tôi nghĩ những cơ sở chăm sóc trẻ em, hoặc các trường mầm non, tiểu học... thậm chí là trung học, thì chính phủ cần quy định bắt buộc những người trực tiếp làm việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ em, cần phải định kỳ sáu tháng đi khám tâm thần một lần để đảm bảo họ có đủ sức khỏe và nhận thức.
Hiện nay, những tình huống phạm pháp như thế này không phải là hiếm, thậm chí tôi nghĩ rất nhiều nơi vi phạm nhưng chưa bị phát hiện. Do cuộc sống cá nhân bị stress, nhiều áp lực, cơm, áo, gạo, tiền, thành tích... có thể khiến người ta bị căng thẳng, trầm cảm lâu ngày, dẫn tới bị tâm thần nhẹ mà không biết. Vì vậy, việc thăm khám định kỳ và sớm chữa bệnh là rất cần thiết.
Ngay cả những phụ huynh như tôi đây, bình thường vẫn rất thương con mình, nhưng khi gặp stress trong công việc, thì về nhà có khi hay la mắng con cái. Vậy nên những người làm công việc giáo dục, liên quan đến rất nhiều trẻ em, càng phải kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên".
- Đánh chửi tôi là cách mẹ giải tỏa áp lực
- 55 năm chán ghét về nhà vì 'đòn roi đợi sẵn'
- 'Đòn roi chỉ là cách cha mẹ trút giận'
- 'Đánh để con ngoan'
- Lúng túng trước nạn bạo hành
- Những chiếc 'đinh găm' trên đầu con trẻ